Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – VỊ TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN

VĨNH BIỆT ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP – VỊ TƯỚNG CỦA LÒNG DÂN



Hôm nay toàn dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế bùi ngùi thương tiếc tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại, anh hùng dân tộc! Người là anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Tên tuổi của ông gắn liền với những chiến thắng vĩ đại của đất nước như giải phóng Điện Biên năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Giải phóng Sài Gòn năm 1975 thống nhất đất nước. Người Việt Nam quý mến ông, bạn bè quốc tế kính trọng ông và cả đối phương cũng phải khâm phục ông!
Trong những ngày qua, báo chí trong nước và quốc tế không ngớt đưa tin về lễ viếng ông và ca ngợi những công lao to lớn của ông. Không chỉ là một vị tướng tài ba, đức độ mà khi ở cương vị mới không liên quan gì đến binh nghiệp, những năm 80 của Thế kỉ XX, trên cương vị Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, được Bộ Chính trị tin tưởng giao phó cho ông một mảng công việc hết sức quan trọng, đó là phát triển nền văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học kĩ thuật để đáp ứng yêu cầu xây dựng, kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Luôn khắc ghi lời dậy của Bác Hồ: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua…" và "Dĩ công vi thượng". Trong lúc đất nước vừa đi qua chiến tranh với bao khó khăn chồng chất, ông đã bắt tay vào công việc mới với tất cả tâm huyết của một người cách mạng, thành lập Viện Hàn lâm, viện Khoa học và kỹ thuật, Viện khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng con người Việt Nam…để bù đắp lại sau chiến tranh. Trên cương vị Phó Thủ tướng, ông đã đóng góp một phần quan trọng trong việc phát triển nền khoa học, giáo dục và y tế của nước nhà.

Vị tướng huyền thoại ấy đã về với Bác Hồ, nhưng hồn thiêng của Người có lẽ sẽ luôn che chở cho sự bình yên và trường tồn của dân tộc như khi sống Người đã làm – Người là bậc Thánh nhân! Khi sống Người đã hết lòng, hết sức phụng sự Quốc gia, dân tộc và khi Người ra đi, uy tín và sức lan tỏa của Người vẫn cống hiến cho đất nước một sức mạnh đoàn kết lạ thường!

Xin được kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến công ơn của Người! Vĩnh biệt Người – Đại tướng của lòng dân!  

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2013

VÀI SUY NGHĨ VỀ HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO

Hôm nay 08/8/2013, hơm 30 tình nguyện viên của xã Lê Ninh cùng hàng trăm, hàng nghìn tình nguyện viên của các xã khác trong khu Bắc An Phụ huyện Kinh Môn sẽ có mặt tại hội trường UBND xã Thái Sơn để hiến máu nhân đạo theo thư kêu gọi của Hội Chữ Thập Đỏ huyện Kinh Môn để góp phần cứu sống những mảnh đời bất hạnh!.
            Xét về khía cạnh khoa học, nhiều tài liệu và thực tế đã khẳng định (  xin không viết lại mà trích dẫn các bài viết ở các đường Link dưới đây:)
http://chuthapdoyenbai.org.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=87&Itemid=28;
http://www.hutech.vn/phongctsv/index.php?option=com_content&view=article&id=499:tim-hiu-v-hin-mau-nhan-o&catid=36:y-te-hoc-duong
http://www.phununet.com/wikiphununet/ChiTietWiki.aspx?m=0&StoreID=13665
 Một người khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm có đủ cân nặng và các chỉ số huyết học bình thường đều có thể hiến máu mà hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi đã gặp khá nhiều người có ý kiến cho rằng sau khi hiến máu sẽ bị béo phì (!) hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Riêng tôi cũng đã từng cho máu và ở xã nhà cũng đã có rất nhiều người từng hiến máu tình nguyện hoặc cho máu người thân. Tất cả những người đó và cả tôi đều vẫn thấy bình thường, không béo phì  hay yếu đi vì cho máu như thông tin vừa nêu đâu!.
              Về góc độ nhân đạo: Không ai mong muốn bản thân phải rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng được như người ta mong muốn! Mỗi ngày trên cả nước có biết bao nhiêu ca bệnh cần được truyền máu để qua cơn hoạn nạn. Bệnh nhân cần máu bởi muôn vàn lí do khác nhau. Có người do cơ thể suy nhược, có người do bệnh lý về máu, có người do tai nạn rủi do, có người vì bị người khác gây thương... và có cả những người coi thường mạng sống của bản thân mà làm điều dại dột...! Tuy nhiên tất cả những người đó, khi đã lâm vòng nguy biến, họ cần lắm những giọt máu nghĩa tình để có thể thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Ai đã từng trải qua những giây phút nguy kịch đó càng thấy rõ giá trị của việc hiến máu tình nguyện quý giá biết nhường nào! Dân gian đôi khi có vẫn thường truyền nhau câu nói " Một giọt máu đào hơn ao nước lã" để chỉ giá trị của máu nhưng theo tôi nghĩ, câu đó để chỉ về mối quan hệ dòng dõi thôi. Tôi thực sự đồng cảm với khẩu hiệu " Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại!" .
              Làm gì để tạo điều kiện cho cuộc vận động hiến máu nhân đạo tình nguyện được tốt hơn? Câu hỏi này để dành cho các nhà lãnh đạo các địa phương. Thực tế cho thấy, cuộc vận động này đã được các cấp, các ngành tổ chức phát động khá rầm rộ, nhưng đơn vị chủ quản thì gần như chỉ có Hội Chữ Thập Đỏ cơ sở là đơn vị trực tiếp tham mưu với lãnh đạo chính quyền địa phương về công tác tổ chức triển khai vận động; (đương nhiên là có BCĐ và đầy đủ các thành viên!) tổ chức đưa đón và bồi dữơng cho các tình nguyện viên đi, về khi hiến máu, trong khi ngân sách địa phương dành cho hoạt động của Hội CTĐ cấp xã chỉ vài trăm nghìn một năm! vậy là Chủ tịch Hội lại phải làm cái việc muôn thủa của Hội là "Xin" ! Nhưng đây không phải là xin của người có để cho người nghèo mà là XIN từ ngân sách xã để chi cho một việc làm nhân đạo! Tại sao từ các cấp trên không bố trí riêng một khoản tiền thiết yếu cho riêng việc này từ đầu năm ngân sách để đỡ làm khó cho cả hệ thống bộ máy cấp xã nhỉ!...
               Lời bàn: Hiến máu nhân đạo tình nguyện là một nghĩa cử vô cùng thiêng liêng, cao đẹp. Nghĩa cử đó thể hiện tình nhân ái, thương người như thể thương thân bởi lẽ những tình nguyện viên hiến máu đã chia sẻ chính sự sống của họ để góp phần cứu sống những người bệnh hiểm nghèo cần máu để qua cơn nguy kịch. Máu là thứ tài sản vô cùng quý giá liên quan đến sự sống của con người mà họ còn hiến tặng được thì đối với họ, những giá trị vật chất để bù lại dòng máu đó chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, để người hiến máu được yên tâm, phấn khởi thì cũng cần được sự quan tâm hơn trong công tác tổ chức đón tiếp, kỹ thuật lấy máu và ghi nhận của các cấp có thẩm quyền để ngày càng có nhiêu người tình nguyện hiến máu. Đặc biệt, trong quá trình đón tiếp cần tổ chức khoa học về địa điểm , số lượng người  để tránh trường hợp các tình nguyện viên phải đi xa, chờ đợi ... Quá trình lấy máu, các kỹ thuật viên phải thực sự để tâm vào công việc, sử dụng y cụ đảm bảo kỹ thuật và vệ sinh,  lấy đúng, đủ lượng cho phép theo thể trạng của tình nguyện viên, tránh tình trạng lấy quá nhiều gây sốc cục bộ> (Năm 2011 đã có tình trạng sau khi hiếm máu bị ngất). Việc ghi nhận hiến máu cho các tình nguyện viên cũng cần được các cấp quan tâm. Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc ưu đãi đối với những người hiến máu theo số lần và lượng máu hiến tặng, đồng thời đặc biệt quan tâm miễn phí cho các tình nguyện viên khi không may phải truyền máu và miễn giảm viện phí cho họ tại tất cả các bệnh viện trên toàn quốc để ngày càng có nhiều người hưởng ứng phong trào này./.

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Trăng ơi!

Ơi vầng Trăng sáng như gương
Long lanh mắt ngọc ngắm phương trời nào?
Biết răng Trăng ở trên cao
Chẳng dư ánh sáng chiếu vào tim ta
Tưởng rất gần...
                          ...lại rất xa!
Ước gì giữ được trăng là của riêng! ...

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Tình Cha

Tình Cha

Trong cuộc sống nhân sinh, con người sống không thể thiếu tình thương, song nói đến chữ “tình” thì không có thứ tình cảm nào có thể sánh bằng tình thương của cha mẹ. Đó là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, mênh mông sâu xa như biển thẳm không bờ. Một thứ tình thương không đối tượng so sánh, cũng chẳng bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ có thể tạm ví như ngọn Thái Sơn hay nước trong nguồn chảy ra.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Tuy nhiên, tình thương cha mẹ dành cho các con còn hơn thế nữa. Ngọn Thái Sơn dẫu có uy nghi, hùng vĩ bao nhiêu cũng không thể mãi đứng hiên ngang bất diệt và nước trong nguồn cũng có khi phải cạn. Nhưng tình cha nghĩa mẹ thật khó nghĩ bàn, không vơi đầy thay đổi theo dòng chảy của thời gian. Tình thương cha mẹ đã trở thành suối nguồn bất tận, tích tụ, vun bón từ bao đời và thẩm thấu thành máu xương, gan thịt của người. Chỉ một việc tưới tẩm cuộc đời con, dù các con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương kia vẫn canh cánh bên lòng không một chút lãng xao, luôn âm thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con đang chập chững bước vào đời. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là một bản tình ca muôn đời bất diệt của các con. Tình thương ấy nào có khác nhau, xuất phát từ một thể mà được biểu hiện qua hai khía cạnh cuộc đời.
Nói đến tình mẹ thì dường như ai cũng dễ dàng cảm nhận được, bởi đó là thứ tình thương ngọt ngào, gần gũi, thân quen bằng cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, trìu mến v.v… luôn đem đến cho con một cảm giác êm mát, dịu hiền, một suối nguồn hạnh phúc trào dâng. Mẹ lúc nào cũng quấn quýt bên con, luôn chia sẻ với con những vui buồn, được mất, những nỗi niềm tâm sự nhỏ to, đáp ứng mỗi yêu cầu và ước muốn của con. Tình mẹ là thế, còn tình cha thì sao? Cha không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau giống mẹ. Tình cha vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc giá băng, nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt nếu ai đó biết tận hưởng được tấm lòng cha:
“Tấm lòng cha một đời con đâu hiểu
Bởi tình cha luôn lắng dịu ngọt ngào
Tuy giá băng nhưng sâu thẳm dạt dào
Cho mà chẳng mong chút nào đền đáp”.
Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà nó còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương, uy nghi sừng sững, oai hùng như núi Thái luôn che chắn bão giông cho con được tắm mình dưới bầu trời quang đãng. Cha âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng theo sát cuộc đời con và che chở con bằng bóng râm mát dịu của đời mình:
“Do tình cha muôn thuở vốn không lời
Trong lặng lẽ, âm thầm như chiếc lá”.
Và: “Bên đời con, cha một bóng âm thầm
Luôn che chở bằng bóng râm mát dịu”.
Đúng vậy, tình cha là như thế đó, thật thâm trầm và sâu thẳm mặn mà, nếu chúng ta không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì không dễ gì thấy được tấm lòng cha:
“Buồn hay vui cha cũng không để dạ
Khóc hay cười cha để cả trong tim
Như đại dương lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn”.
Nếu ai đó thử trầm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim thương yêu vô bờ bến của cha, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha hiếm khi biểu lộ ra bên ngoài mà nó biểu lộ bằng sự âm thầm lặng lẽ lại mộc mạc đơn sơ. Chính sự âm thầm lặng lẽ, không lời của cha đôi khi làm cho các con vô tình lãng quên đi sự hiện diện của cha trong cuộc đời mình. Cũng vì thế mà hình tượng người cha hiền kính yêu của chúng ta bị lu mờ bên ánh hào quang rực rỡ của mẹ trong hầu hết các áng văn thơ. Trong kho tàng văn chương của nhân loại, có biết bao áng thơ văn ngợi ca về mẹ với đầy đủ chi tiết hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Đó cũng là niềm kiêu hãnh, là điều diễm phúc của tất cả những người con. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh người cha lại mờ ảo, nhạt nhòa khiến cho cõi lòng một vài người con phải xít xa tê tái. Thử hỏi trong áng văn thơ đã có được bao nhiêu bài nhắc đến tình cha. Có không ít nhà văn, nhà thơ đã viết rất nhiều và rất dạt dào về mẹ, nhưng cả cuộc đời chưa một lần viết để tặng cha. Điều đó phải chăng vì ngôn ngữ thiếu từ hay cha là người hùng hổ, bạt bẽo, thiếu trách nhiệm, thiếu tình thương mà khiến cho hầu hết mọi người đều vô tình lạnh nhạt với một tình yêu cao cả không thể thiếu trong cuộc sống thành nhân.
Không, cha không là người bạt bẽo, hùng hổ, cũng không phải là người thiếu tình thương trách nhiệm. Ngược lại, cha là người luôn chu toàn bổn phận, luôn ngọt ngào, nồng ấm bên cạnh cuộc đời con. Chỉ lặng lẽ bên con như bóng với hình, từng bước chân con đi luôn có bóng hình cha đều bước. Nếu mẹ là lời ru đưa con vào giấc ngủ thì cha sẽ là tiếng đàn giữ cho lời ru thêm ấm mãi. Nếu mẹ là mặt đất ôm ấp đàn con, thì cha sẽ là bầu trời trong xanh cho con vươn mình trong nắng ấm. Cha lo lắng cho con từng miếng ăn giấc ngủ, chăm sóc con lúc nóng lạnh ấm đầu, dạy dỗ con từ lúc bập bẹ ê a cho đến ngày khôn lớn trưởng thành, cha vẫn mãi lo cho con đến hơi tàn tắt lịm, cả đời cha cặm cụi lao nhọc chỉ vì hạnh phúc của đàn con thân yêu. Vì cuộc sống ấm no trọn vẹn đôi đường tinh thần vật chất của các con, cha hy sinh nào có ngại khổ gì gian nan, cha bươn chải, tảo tần, thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương, dãi dầu mưa gió tìm kế mưu sinh để cho các con theo kịp với người. Mặc dầu bận bịu với tháng ngày lao nhọc, cha vẫn không quên dành thời gian chăm chút, dạy dỗ, hướng dẫn con trong đại học trường đời. Cha nhẹ nhàng dìu bước chân con, nâng con dậy mỗi lần con vấp ngã. Cha rèn luyện cho con ý chí kiên cường và lòng quyết tâm, giúp con ươm xanh những ước mơ và hoài bảo của mình, dẫn dắt con thơ làm quen với sương gió, gian khổ để sau này con dễ hòa nhập và vững bước trên đường đời vạn nẻo khi không còn bóng hình cha bên cạnh.
“Trên bước đường đời lắm bụi rơi
Ngàn mây trong mắt chẳng ngừng trôi
Cha đưa con giữa ngàn sương gió
Là để con thêm hiểu nghĩa đời”.
Khi con khôn lớn, trưởng thành với tuổi xuân phơi phới thì cũng là lúc thân cha gầy hiu hắt, khẳng khiu như những cành cây qua thu vàng rụng lá để trơ cành chuẩn bị đương đầu với cái giá lạnh của mùa Đông. Ôi! thật xót xa với tình cha vời vợi-dù sự sống chỉ còn lèo lạt chất vần.
Không ngừng theo bước chân con và thỏ thẻ rót vào tâm hồn con đạo nghĩa làm người. Trong trường đại học của con, nếu mẹ dạy con tình thương yêu và lòng nhẫn nại thì cha dạy con lòng cao thượng bao dung và un đúc trong con lòng trung kiên và ý chí bất khuất, chính vì thế, một người con có thành nhân là nhờ sự thừa hưởng hài hòa giữa tình cha tình mẹ. Thiếu một trong hai yếu tố ấy thì người con đã mất đi phân nửa cuộc đời. Nếu rủi thay thác cha hay mẹ, trẻ thơ kia đâu còn cái tuổi hồn nhiên vô tư:
“Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết, gót con đen sì”.
Qua câu ca dao trên, ta có thể thấy được trách nhiệm và vị trí của người cha đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với cuộc đời con. Vì vậy, dù mai đây trên vạn nẻo đường đời, mong rằng những người con đừng bao giờ lãng quên một điều, cuộc sống của ta có được hôm nay là do sự đắp xây và đánh đổi bằng cả cuộc đời hy sinh thầm lặng của cha, từng nhịp thở, từng bước chân ta luôn có sự hiện diện của cha trong đó. Diễm phúc thay cho những ai còn cha xin hãy cố gắng nâng niu, trân quý, phụng dưỡng, kính thờ để chuỗi ngày dài khỏi hối tiếc ăn năn. Đức Bổn sư Thích-ca từng dạy: “Hạnh hiếu là hạnh Phật”, “Cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế” v.v... Tất cả điều ấy cũng chỉ nhằm khuyên nhắc chúng ta đừng quên cái đạo nghĩa làm con và biết trân quý những gì đã và đang thừa hưởng từ cha mẹ. Xót thương thay cho những ai bất hạnh không còn cơ hội phụng dưỡng hiếu với cha, đó là sự thiệt thòi lớn nhất trong cuộc đời con không gì bù đắp được. Nhưng nếu ai biết lưu giữ bóng hình cha bằng sự thể hiện qua lời nói, ý nghĩ, việc làm tốt đẹp, thì người ấy đã giữ được bên mình suối nguồn tươi mát thiêng liêng nhất của tình cha.
Mùa Vu Lan dù sẽ đi qua, nhưng hương sắc của mùa hoa hiếu hạnh không chỉ dừng lại ngay đó mà nó luôn vun bồi và hằng đắp trong mỗi phút giây thực tại của cuộc sống, ngay trong từng tâm niệm của chúng ta. Thế nên, để thể hiện tấm lòng của một người con, xin các anh các chị, các em và tôi, chúng ta hãy cố gắng làm một điều gì đó thật đơn giản mà thánh thiện để cho hương thơm của hoa hiếu hạnh ngàn đời vẫn luôn tỏa rạng, cho đạo lý từ bi từ đây được khai hoa kết trái trong vườn ươm đạo lý nhiệm mầu giải thoát. Tình cha sẽ mãi mãi hiện hữu trên bước đường của những người con đang trực diện quay về.

                                                                                                   ST

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Đằng sau "Chuyện hoa sim" - Sự hy sinh thầm lặng


Trong chiến tranh, mỗi người, mỗi nhà đều là những chiến lũy, những hậu phương! Không chỉ là văn học đâu mà đó là sự thật. tuy lớn lên sau chiến tranh nhưng tôi hiểu điều đó. Cậu tôi đi chiến dịch Hồ Chí Minh rồi sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế suốt hàng chục năm không một lá thư... tưởng như cậu đã không còn nữa, nhưng may thay cậu đã hoàn thành nhiệm vụ và đã trở về; Nhà bác cả tôi nuôi cả gần một tiểu đội bộ đội đóng quân. Lúc đó, tất cả các anh đều gọi bác gái tôi là mẹ, xưng con, tình cảm lắn! còn bác trai thì đi công tác. Bác làm trưởng đài truyền thanh Thị xã Uông Bí và đã 2 lần được trực tiếp mở máy để Bác Hồ nói chuyên với đồng bào Quảng Ninh. Lúc về nghỉ hưu, bác kể: có lần giặc Mỹ bắn phá, cả tòa thư viện ngay cạnh đài truyền thanh mà bác đang trực tan tành, người chết, sách cháy... tang thương lắm! Bên ngoại,  Bác tôi ở chiến trường được  về trần có 5 ngày để cưới vợ, thế nhưng, cưới vợ hôm trước thì hôm sau bác nhận được lệnh khẩn phải đi ngay... và bác đã đi mãi không về! bác đã hi sinh ...
Chiến tranh là thế đấy!!!
 Giữa lúc những ngày tháng 7 đang đến gần (kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7) , tôi lại càng thêm cảm phục về những con người của thế hệ trước. Hôm nay nghe lại bài hát "Chuyện hoa sim" lại nhớ đến bài thơ "Màu tím hoa sim" của tác giả Hữu Loan mà ngày nay có lẽ ít người biết đến. Bài thơ thật như chuyện đời nhưng hay hơn tiểu thuyết về sức thuyết phục của ngôn từ, của cách gieo vần một cách khắc khoải - như chiến tranh, súng cối, bom đạn...như bước thấp bước cao của  người đi kẻ ở... và cả cốt truyện.... Xin được đọc lại bài thơ như một lời tri ân với thế hệ trước......................!

Màu Tím Hoa Sim
Hữu Loan

Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng đang xanh

Tôi người Vệ-quốc-quân
Xa gia đình
Yêu nàng
Như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo cưới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi

Từ chiến khu ba
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng chiều quê

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em gái nhỏ hậu phương...
Tôi về không gặp nàng
Mà tôi ngồi bên mộ con
Đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương:(
Tàn lạnh vây quanh...
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi!
Giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông thấy nhau một lần
Ngày xưa...
Nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
Một mình
Đêm khuya
Bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa

Một chiều rừng mưa
Ba người anh
Từ chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
Trước khi em lấy chồng

Gió sớm thu về
Rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng trông ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chị
Chiều hành quân
Qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
"Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm mẹ già chưa khâu"


Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

BCĐ HOẠT ĐỘNG HÈ XÃ LÊ NINH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2013

BCĐ HOẠT ĐỘNG HÈ XÃ LÊ NINH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2013

Chiều 19/6, UBND xã đã tổ chức hội nghị kiện toàn BCĐ và triển khai kế hoạch hoạt động hè năm 2013. Đồng chí Đỗ Mạnh Hà, chủ tịch UBND xã, trưởng BCĐ chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị các đ/c trong BCH đảng ủy, thường trực HĐND, UBND, MTTQ xã cùng các đ/c trưởng các ban ngành, đoàn thể, BTCB, đại diện trạm y tế xã, trưởng các thôn , hiệu trưởng các nhà trường trong toàn xã đã về dự.
Tại hội nghị, UBND xã đã công bố quyết định kiện toàn BCĐ hoạt động hè xã Lê Ninh năm 2013 gồm 19 thành viên do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đ/c Phó chủ tịch phụ trách văn hóa xã hội làm phó ban, đ/c Bí thư đoàn thanh niên làm phó ban thường trực, các đ/c trưởng các ban ngành đoàn thể trong xã làm thành viên BCĐ. Đồng thời thành lập các tiểu ban ở các thôn do đ/c trưởng thôn làm trưởng tiểu ban.
Hội nghị cũng đã nghe chỉ thị của chủ tịch UBND xã v/v tổ chức các hoạt động hè và chiến dịch thanh  niên tình nguỵên hè 2013. thông qua kế hoạch tổ chức các hoạt động hè năm 2013 trên địa bàn xã.
Với chủ đề “ Tuổi trẻ Kinh Môn chung tay xây dựng nông thôn mới, vì môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em”; phương châm “Mỗi đoàn viên, thanh niên, mỗi cơ sở đoàn có ít nhất một hoạt động tình nguyện góp phần bảo đảm an sinh xã hội”. BCĐ hoạt động hè xã đã xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống , đạo đức, lối sống , pháp luật cho thanh thiếu nhi. Tăng cường các họat động tuyên truyền với chủ đề “ Tuổi trẻ Lê Ninh chung tay xây dựng nông thôn mới, vì môi trường lành mạnh, an toàn cho trẻ em”. Tổ chức. các hoạt động vui chơi, giải trí , các sân chơi bổ ích, thiết thực cho thiếu nhi, đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em.; tăng cường các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp...trong đó tập trung vào một số chỉ tiêu cụ thể như: 100% các thôn tổ chức hoạt động hè cho thanh thiếu nhi, tập hợp ít nhất 75% thanh thiếu nhi tham gia hoạt động hè và các hoạt động thanh niên tình nguyện.; 100% các chi đoàn có các hoạt động tình nguyện tại chỗ, huy động đảm nhận ít nhất 1 phần việc thanh niêm tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.; tổ chức tuần đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, đồng loạt tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ vào 20h ngày 26/7/2013.

Theo kế hoạch, các hoạt động hè sẽ được bắt đầu triển khai tập trung từ đầu tháng 7 và tổng kết vào trung tuần tháng 8. Để tổ chức tốt các hoạt động theo đúng kế hoạch. UBND xã đã giao cho đoàn thanh niên là cơ quan thường trực BCĐ chủ động tham mưu tổ chức triển khai nhiệm vụ và chủ động phối hợp với các thành viên BCĐ để tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả cao./.

XÃ LÊ NINH TRIỂN KHAI PHÁT ĐỘNG XÂY DỰNG QUỸ TOÀN DÂN CHĂM SÓC, PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI

XÃ LÊ NINH TRIỂN KHAI PHÁT ĐỘNG XÂY DỰNG QUỸ TOÀN DÂN CHĂM SÓC, PHÁT HUY VAI TRÒ NGƯỜI CAO TUỔI

Thực hiện ý chỉ đạo của Ban thường vụ huyện ủy , quyết định số 792 ngày 07/5/2013 của UBND huyện Kinh Môn v/v thành lập BCĐ cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi”. Ngày 11 tháng 6 năm 2013, UBND xã đã ra quyết định số 40 thành lập BCĐ của xã gồm 13 thành viên do đ/c Vũ Văn Độ, phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, đ/c Đỗ Ngọc Thành chủ tịch MTTQ xã làm phó ban , đ/c Lê Ngọc Hinh chủ tịch hội Nguồi cao tuổi xã làm phó ban thường trực, các đ/c trưởng các ban ngành làm thành viên BCĐ. Đồng thời thành lập các tiểu ban ở các thôn do đ/c trưởng thôn làm trưởng tiểu ban.
Chiều 19/6 BCĐ xã họp thông qua các văn bản chỉ đạo của cấp trên và triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động trên địa bàn xã. Với mục tiêu thông qua cuộc vận động tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tình yêu thương, kính trọng ông Bà, cha mẹ trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội , nâng cao vị trí, vai trò của người cao tuổi, xây dựng ý thức và trách nhiệm của gia đình, xã hội và của các tổ chức, cơ quan đối với việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Phát động phong trào toàn dân đóng góp ủng hộ xây dựng quỹ “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi” của xã với mức vận động: đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, người lao động tại các doanh nghiệp mỗi người ủng hộ ít nhất một ngày lương trở lên. Đối với các hộ dân ủng hộ từ 10.000 đ trở lên. Đồng thời vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ xây dựng quỹ.

Thời gian phát động bắt đầu từ ngày 19/6 đến ngày 30/6/2013. BCĐ cũng đã giao co các tiểu ban ở các thôn triển khai tổ chức vận động với mức dự kiến giao như sau: Thôn Vĩnh Lâm 1 triệu 600 nghìn đồng; thôn Lê Xá 4 triệu 800 nghìn đồng; thôn Nội Hợp 3 triệu 200 nghìn đồng; thôn Tiên Xá 1 triệu 200 nghìn đồng; thôn Ninh Xá 6 triệu đồng. Toàn xã dự kiến huy động 16 triệu 800 nghì đồng. Nguồn quỹ huy động  được sẽ được quản lýchặt chẽ và và sử dụng theo đúng quy định hiện hành để đản bảo phát huy cao nhất hiệu quả , đạt mục tiêu đề ra . Đây là một cuộc vận động lớn với nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống đạo đức trong các thế hệ nhân dân cần được các ngành, các đơn vị triển khai sâu rộng để cuộc vận động thực sự đi vào cuộc sống./.  

LÊ NINH KHỞI CÔNG XÂY DỰNG 8 PHÒNG HỌC TRƯỜNG TIỂU HỌC

LÊ NINH KHỞI CÔNG XÂY DỰNG 8 PHÒNG HỌC TRƯỜNG TIỂU HỌC

Hằng năm, trường Tiểu Học Lê Ninh có khoảng trên 360 học sinh là con em nhân dân trong xã theo học, phân bổ theo 5 khối với 15 lớp, thực hiện học 2 ca trên ngày theo quy định. Trong những năm qua, do điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp, còn khoảng 46% phòng học là nhà cấp 4 cũ, dột nát  và một số công trình khác còn chưa hoàn chỉnh, chưa có các phòng chuyên môn, phần nào ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sức khỏe và an toàn của thày và trò trong trường.   
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ xã lần thứ 28 và nghị quyết HĐND xã, nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với bậc tiểu học. Sáng 13/6/2013, Tại trường tiểu học Lê Ninh, UBND xã Lê Ninh đã tổ chức lễ khởi công xây dựng công trình trường Tiểu học phục vụ công tác nâng cao chất lượng giảng dạy và học  tập của nhà trường. các đồng chí lãnh đạo đảng ủy, HĐND, UBND xã, trưởng các ban ngành đoàn thể, trưởng thôn, Bí thư chi bộ trong xã cùng đại diện Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên nhà trường, đại diện nhà thầu đã tới dự buổi lễ.
Công trình được thiết kế theo mô hình 2 tầng với tổng số 8 phòng học, tổng diện tích sàn xây dựng của 2 tầng là 637,2 mét vuông do công ty cổ phần tư vấn quy hoạch và xây dựng Hải Dương thiết kế. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty xây dựng, thương mại Trang Ngọc (Hải Dương). Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Hữu Bằng trúng thầu thi công với tổng dự toán là 4 tỷ 992 triệu đồng. Trong đó vốn Nhà nước hỗ trợ theo đề án 20 là 25 triệu đồng / 1 phòng bằng 200 triệu đồng. Còn lại do ngân sách địa phương, các nguồn đầu tư hỗ trợ khác và huy động nhân dân đóng góp theo Pháp lệnh dân chủ. Trong đó dự kiến huy động nhân dân đóng góp mỗi khẩu 100.000 đồng thu làm 2 đợt.

Theo kế hoạch, công trình sẽ được xây dựng trong 270 ngày, khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng vào quý I năm 2014./.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

MỘT SỐ LỖI TASKBAR (THANH CÔNG CỤ) VÀ CÁC KHẮC PHỤC


MỘT SỐ LỖI TASKBAR (THANH CÔNG CỤ) VÀ CÁC KHẮC PHỤC

Trong quá trình sử dụng máy tính, đôi khi vì vô tình mà bạn đã làm cho thanh taskbar (thanh công cụ) ở phía dưới màn hình bị chạy lung tung, có thể nó hiện dựng đứng ở bên phải màn hình:


Và cũng có khi nó lại lên đỉnh phía trên màn hình:
Có lúc nó lại bị to gấp đôi bình thường như thế này:

Tuy chẳng ảnh hưởng gì đến độ an toàn của máy nhưng gây cho người dùng cảm giác khó chịu. Để khắc phục nó thì rất đơn giản.
Thứ nhất: Để đưa taskbar về đúng vị trí, bạn chỉ cần rê chuột vào vùng hiển thị đồng hồ taskbar. Sau đó giữ chuột trái và rê về đúng vị trí cần đặt là xong.

Thứ hai: Về lỗi thanh taskbar bị to hơn bình thường, bạn chỉ cần nhấp chuột phải vào thanh taskbar, chọn Toolbars và huỷ dấu chọn ở dòng Quick Lunch đi là ok. Có trường hợp nó chưa thu gọn được thì bạn đưa chuột vào sát mép trên của thanh taskbar sao cho nó hiện đường viền giới hạn thì giữ chuột và kéo xuống là được.

Sửa xong rồi nhưng chưa biết nguyên nhân gây ra lỗi thì sẽ bị lại và lại mất công chỉnh sửa. Thực ra, nguyên nhân của lỗi này là do bạn chưa khoá thanh taskbar nên dễ bị lỗi. Để khắc phục, bạn hãy nhấn chuột phải vào thanh taskbar. Trên cửa sổ mới hiện, bạn đánh dấu kiểm vào dòng Lock the Taskbar.
Như vậy từ nay, sẽ không bao giờ bị lỗi tương tự nữa.




Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

MÀN CHÀO HỎI CỦA ĐỘI VĂN NGHỆ NINH XÁ TẠI HỘI DIỄN VĂN NGHỆ CÁC LÀNG VĂN HÓA HUYỆN KINH MÔN


MÀN CHÀO HỎI CỦA ĐỘI VĂN NGHỆ NINH XÁ TẠI
HỘI DIỄN VĂN NGHỆ CÁC LÀNG VĂN HÓA HUYỆN KINH MÔN

Trong tiếng trống  nhạc rộn rã,( nhạc Tứ Quý)  tốp nam nữ ùa ra sân khấu
Nam:         Kìa trống đã giục, loa đã vang, anh chị em ơi, chúng ta hãy cùng nhanh chân đi tham dự giao lưu văn nghệ các làng văn hóa đi nào, anh chị em ơi!

Tiếng đế:   Nào, ta đi thôi!

Nam:         Này các anh chị em. Quê ta phong cảnh tuyệt vời. Đi tham dự hội diễn chúng ta cũng phải có đôi lời giới thiệu chứ, phải vậy không nào?

Tốp đế:      Phải đấy, phải đấy!

Nam 1:                                   Thưa quý vị , thưa bà con
Ninh xá Lê Ninh đang trên đường đổi mới
Mảnh đất, con người đang rạng rỡ những sắc hoa
Bóng cờ bay xen lẫn tiếng loa
Nhà cao tầng đang mọc lên san sát
Dòng nước sạch đến từng nhà trong mát
đường bê tông khắp ngõ xóm gần xa

Nữ 1:                             Đây những cách đồng quê bát ngát
Lúa vụ  này bẩy mươi sáu tạ trên héc ta
Sông Kinh Thày bồi đắp phù sa
Đồng ba vụ gối mùa cho hoa thơm, trái ngọt

Nam 2:                         Bên gốc đa làng quanh năm xanh tốt
Mái đình xưa còn vọng tiếng non sông
Nơi tôn thờ nhị vị anh hùng
Bố Cái Đại Vương và Ngô Vương Thiên Tử
Đình đã được xếp hạng Quốc gia năm 1997 đấy bà con ạ.

Nữ 2:                            Và đây nữa những nơi ghi dấu tích
Miếu Vườn Quan, Nghè Yến , Nghè Vua
Bãi Giầm Thuyền ghi dấu tích người xưa
Trong chiến thắng Bạch Đằng giang Lịch sử
Ngôi chùa cổ mang tên Yên Quang tự
Đang được trùng tu cho đẹp vóc, xứng tầm

Nam 3:                Ôi! Ninh Xá quê Mình đẹp: thế núi, dáng sông
Người Ninh Xá thuỷ chung, nhân hậu
Bốn bà mẹ được  phong và truy tặng
Danh hiệu “Anh hùng” “Bà mẹ Việt Nam
Năm mươi sáu liệt sĩ đã hi sinh dũng cảm
Bảo vệ giang sơn, bảo vệ giống nòi
Nay khắp xóm làng cuộc sống yên vui
85% số hộ được công nhận gia đình văn hóa
Thu nhập bình quân đầu người đạt chín triệu rưỡi trên năm
Số hộ nghèo giảm, số hộ giầu tăng
5 năm liền khu dân cư được trao bằng tiên tiến
Làng đã vinh dự được cấp bằng làng văn hóa năm 2007 đó bà con ạ.

Nổi nhạc hát văn xá thượng
Vui thay cảnh đẹp quê mình
Sông sâu uốn khúc í i i ì i í (LK) ruộng đồng tốt tươi
Hoa khoe sắc hương thơm thơm ngát
đỉnh non cao chim hát gió reo í à í a ới a à ới a...
Quê ta hết cảnh đối nghèo
Hội làng rộn tiếng í i i ì i í trống chèo ngân vang
Mừng du khách xa gần lui tới
Nhớ câu xưa ẩm thuỷ tư nguyên í à í a ới a à ới a...

Chưa dứt nhạc Nam 1 nói:
      Giờ hội diễn đến rồi, Chúng ta cùng vào tham dự đi nào anh chị em ơi!
Dàn hàng ngang cúi chào.
Kính chúc quý vị mạnh khoẻ, chúc hội diễn thành công tốt đẹp!

Biên soạn: Minh Thành


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

VÀI NÉT VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH - NGHÈ LÊ XÁ - LÊ NINH

VÀI NÉT VỀ LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG ĐÌNH - NGHÈ LÊ XÁ - LÊ NINH

 Nghè Lê Xá xã Lê Ninh là nơi thờ Danh tướng họ Chu húy là Việt Hồng, thuộc tướng thời Lý Thái Tông. Theo bia thần phả ghi chép sự tích cho biết. Ngài đã có công phò vua đánh giặc Xiêm xâm lược. Trong trận chiến, ngài bị trọng thương tại khu núi cổ ngựa thuộc Lê Xá trang. Tuy nhiên ngài vẫn anh dũng chiến đấu đánh tan quân giặc. Khi về đến vị trí Nghè hiện nay thì ngài hóa, khi đó trên trời bỗng nhiên mây kết thành 3 dải ngũ sắc huy hoàng lộng lẫy. Trong chốc lát, nơi Ngài nằm xuống đất đã tự bồi đắp cao thành mộ. Nhân dân liền lập biểu tâu lên nhà vua. Vua vô cùng thương tiếc, sai người sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, gia phong cho nhân dân lập Nghè miếu thờ phụng làm Thành hoàng làng và ban phong đất đai và tiền bạc để nhân dân đời đời thờ phụng. 
          Tưởng nhớ công đức anh linh của ngài. cứ vào dịp từ 15 đến 18/2 âm lịch  hằng năm, nhân dân Lê Xá lại mở lễ hội truyền thống. Trong lễ hội  có Lễ rước thánh từ nghè về Đình, tế an vị và phân công các xóm thay phiên cung kính phụng thờ trong suốt những ngày lễ  hội. Các trò chơi được nhân dân nô nức tham gia như kéo co, bóng chuyền, cầu thùm, bắt vịt dưới nước.... Các xóm còn chủ động xây dựng các chương trình văn nghệ phong phú phục vụ lễ hội. Ngày 18/2 nhân dân các xóm trong làng lại tề tựu đông đủ, trang phục chỉnh tề, nghiêm trang, nghi lễ đầy đủ tổ chức Tế rã đám và rước Ngài về lại nghè làm lễ An vị và kết thúc lễ hội. 
Đặc biệt, Ngôi nghè cổ hiện nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn các kiến trúc cổ. Ban thờ của ngài được thiết kế theo kiểu nhà sàn, nằm trọn ven trong phần gian giữa của nghè. Ngay dưới ban thờ là phần mộ của ngài. Trên mộ còn nguyên vẹn một tấm bia lớn, kích thước khoảng 80 x 120 cm. Bia Do Hàn lâm viện Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn thế kỷ 15 và được Quản giám Bách thần Tri điện Hùng lĩnh Thiếu Khanh Nguyễn Hiền phụng sao vào thế kỉ 18Các chữ Hán khắc trên bia còn rất rõ nét. Là căn cứ quan trọng để phục vụ cho việc nghiên cứu và sưu tầm các giá trị văn hóa truyền thống.



MỘT SỐ HÌNH ẢNH LỄ KHÁNH THANH NGHÈ VUA, NGHÈ YẾN THÔN NINH XÁ

Ngày 14/2/Quý Tỵ (25/3/2013) Nhân dịp lễ hội truyền thống, cán bộ và nhân dân làng Ninh Xá - xã Lê Ninh - Kinh Môn - Hải Dương long trọng tổ chức Lễ khánh thành trùng tu , tôn tạo 3 di tích cổ của làng gắn liền với  chiến công của Ngô Vương thiên tử - Ngô Quyền trên trận tuyến Bạch Đằng giang lịch sử năm 938
 Trong buổi lễ, Nhân dân tổ chức rước tượng các vị thành hoàng làng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Vương Thiên tử Ngô Quyền cùng tượng Đức Ông từ Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đình Ninh Xá và chùa Yên Quang tự đến 2 nghè. Lễ rước có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong thôn
 Nghè Yến vừa được trùng tu tôn tạo với diện tích khuôn viên trên 600 m2. Xưa kia địa điểm này từng được Ngô Vương Thiên Tử dùng làm nơi điểm quân , tập hợp binh sĩ trước khi vào trận Bạch Đằng
 Đình Ninh Xá được xếp hạng Quốc gia năm 1997, nơi an vị của hai vị thành hoàng làng

 Các thế hệ nhân dân trong làng nô nức phấn khởi trong lễ rước
 Long ngai của các vị Thành hoàng làng đang được rước vào sân nghe Yến



 Và chuyển tay vào trong Nghè
 Đội tế của làng tiến hành nghi lễ Xướng văn



 Phó thôn Trần Trung Tiến công bố khai mạc
 Đồng chí Vũ Đức Văn - Bí thư đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã  thay mặt cho các đồng chí lãnh đạo địa phương tặng hoa chúc mừng


 Các doanh nghiệp đồng trên địa bàn và những người con quê hương đang sinh sống, làm việc khắp nơi trên Tổ Quốc về dự lễ và tặng hoa chúc mừng

 Đồng chí Vũ Văn Đăng - trưởng thôn Ninh XÁ báo cáo tóm tắt kết quả trùng tu tôn tạo
 trước sự có mặt của các đ/c lãnh đạo địa phương và đông đảo các tầng lớp, thế hệ nhân dân


 Ông Lê Đình Ấn cùng con trai là Lê Đình Long - người thôn Ninh xá hiện đang sinh sống và công tác tại Quảng Ninh đã phát tâm công đức nhà tài trợ 100% kinh phí cho công trình trị giá gần 3 tỷ đồng đang xúc động phát biểu tại buổi lễ

 Cụ Nguyễn Văn Ước - Đảng viên 60 tuổi Đảng đại diện cho nhân dân phát biểu cảm tưởng




 Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Độ thay mặt lãnh đạo địa phương phát biểu ghi nhận đóng góp của gia đình Ông Lê Đình Ấn - Lê Đình Long và giao nhiệm vụ cho cơ sở thôn Ninh Xá


 Đ/c Ninh Đức Cảnh - Bí thư chi bộ thôn phát biểu đáp từ và cảm ơn

  Lãnh đạo địa phương dâng hương
 Ông Lê Đình Ấn đại diện chủ đầu tư cùng đại biểu đại diện cho đơn vị thi công dâng hương
Các tầng lớp nhân dân cùng dâng hương


 Giếng Sen
 Nghè Vua
và Nghè Yến thuộc quần thể di tích Đình Ninh Xá - xã Lê ninh.