NINH XÁ - VÀI NÉT SƠ LƯỢC
Hai pho tượng Trừng ác và Khuyến thiện tại chùa Yên Quang - Ninh xá
Ninh Xá là một làng cổ thuộc xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Xưa Ninh Xá có tên gọi là làng Nành, là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thuỷ hữu
tình, nằm bên bờ hữu ngạn sông Kinh Thày
- con sông nối liền với chiến tuyến Bạch Đằng lịch sử. Trên quê hương Ninh Xá hiện còn lưu giữ được những
địa danh gắn với hoạt động của nghĩa quân Ngô Quyền trên đường đánh đuổi quân
Nam Hán trên sông Bạch Đằng như Nghè Vua - nơi cất giấu quân lương; Nghè Yến -
nơi điểm quân, bãi Giầm thuyền (Đầm thuyền) - nơi cất giấu thuyền chiến v.v…Nay
làng Ninh xá có tổng diện tích tự nhiên là 263.78
ha, là nơi cư trú của gần 30 dòng họ.
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của làng Ninh Xá, đình Ninh Xá được
xây dựng khá sớm. Tuy chưa có tài liệu xác định niên đại cụ thể, song căn cứ
vào 16 sắc phong hiện còn và 34 sắc phong được ghi chép trong thần phả trong đó
có sắc phong sớm nhất vào năm Quang Thiệu thứ 7 (1522) thì đình Ninh Xá không
thể xây dựng muộn hơn đầu thế kỷ thứ 16. Nơi đây thờ hai vị thành hoàng là Bố
cái đại vương Phùng Hưng ( năm 761-802) và Ngô vương thiên tử Ngô Quyền ( sinh
năm 897 mất năm 944) thân thế và sự nghiệp của các vị được lịch sử và các triều
đại phong kiến ghi nhận như những bản anh hùng ca chói lọi trong lịch sử đấu
tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Tượng Đức Ông và hai vị Thành hoàng trước lễ rước trong dịp lễ hội Xuân Canh Dần - 2010
Phùng Hưng xuất
thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Đường Lâm xưa kia vốn là
vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn thường hay lui tới, nên nơi đây
tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm. Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời
của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung nhà Đường Cao Tổ, đời Đường Vũ
Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng
là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ. Cho tới nay về ngày sinh và
ngày mất của Phùng Hưng vẫn chưa rõ. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh
ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và mất ngày 13 tháng 8 năm
Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người
có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu
truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần ông đánh được 2 con
trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục. Lần khác lại trừ được hổ dữ,
bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn
lưu truyền về câu chuyện đó. Phùng Hưng cũng là vị anh hùng đầu tiên trong
những người con ưu tú của đất Đường Lâm, và Phùng Hưng cũng là người anh hùng đầu
tiên đã đánh chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), trị sở của chính quyền đô hộ
lúc đó và xây dựng nền tự chủ trong khoảng gần chục năm. Năm Tân Mùi 791, mùa hạ,
tháng 4, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân
của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố
Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành. Quân của Cao Chính Bình
(khoảng hơn 4 vạn bia Quảng Bá) đem ra chống cự. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết
liệt trong khoảng 7 ngày, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ
trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và
vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy,
sử sách không để lại một nguồn tài liệu nào về ông. Sử liệu và truyền thuyết
dân gian ở vùng Đường Lâm kể lại rằng: Phùng Hưng sau khi mất rất hiển linh, thường
hiện hình trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng,
lập miếu để thờ tự tại Đường Lâm. Tương truyền sau này, Phùng Hưng cũn hiển
linh giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Thấy vậy, Ngô Quyền cho lập
đền thờ quy mô to lớn hơn trước.
Đức vương Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng
3 Đinh Tỵ (năm 897), ở ấp Đường Lâm, Ba Vì (Hà Nội), mảnh đất đã sản sinh và nuôi
dưỡng Phùng Hưng, người Anh hùng của cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường
thế kỷ thứ 7. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giữ yên bờ cõi đất
nước, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngài mất ngày 18 tháng Giêng năm
944.
Chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên
sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền ghi những trang sử vàng chói lọi, hào hùng về
ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước, thương dân. Chiến công vĩ đại này chấm dứt
nền thống trị hơn một nghìn năm đêm trường Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu
dài của dân tộc ta. Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc
phong suy tôn là "Thượng đẳng tối linh đại vương"; là
"Ngô vương Thiên tử"; và là "Vị Tổ trung hưng
của dân tộc".
Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn
phá, mặc dù đình Ninh Xá đã nhiều lần bị hư hại, xuống cấp nhưng với tấm lòng
thành kính tôn thờ anh linh các vị thành hoàng. Các thế hệ nhân dân Ninh Xá đã
luôn có ý thức bảo vệ và giữ gìn tôn tạo di tích làm nơi sinh hoạt tâm linh tín
ngưỡng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ đời sau. Gần đây nhất, năm 1994
di tích đã được Nhà nước các cấp đầu tư hỗ trợ và các thế hệ nhân dân trong
làng đóng góp, công đức trùng tu tôn tạo trả lại vẻ đẹp vốn có và đã được Nhà nước
xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. Từ đó đến nay, hằng năm
cùng với nhân dân trong thôn. Con em nhân dân Ninh Xá đang công tác hoặc sinh sống
xa quê đều thành kính, tích cực công đức bằng hiện vật và tiền của để bổ sung,
tôn tạo cho di tích ngày càng thêm khang trang.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng
của ông cha ta, trong các cuộc chiến trang giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước,
cùng với nhân dân cả nước, nghe theo tiếng
gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, nhân dân Ninh Xá đã tiễn hàng nghìn lượt người ra
mặt trận tham gia chiến đấu tại các chiến trường góp phần giải phóng đất nước
và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam XHCN. Trong số đó có 56 đ/c đã anh dũng hi
sinh, được nhân dân lập bàn thờ trang trọng tại đại bái đình; nhiều người đã bị
bom đạn thù cướp đi một phần xương máu trở thành thương binh. 157 đ/c được tặng
Huân huy chương, nhiều người đã sĩ quan Quân đội, trong đó 12 đ/c có quân
hàm cấp tá, 5 đ/c là sĩ quan cao cấp. 4
bà mẹ được trao tặng và phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Thôn có 02
tiến sĩ; 02 người có trình độ Thạc sĩ, gần 80 người có trình độ đại học; trên
170 người có trình độ cao đẳng.
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi
mới của đảng. dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ chính quyền địa phương, trực tiếp là
chi uỷ chi bộ và cơ sở thôn, đời sống nhân dân trong thôn ngày càng phát triển.
100% số trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. 100% số hộ được
dùng điện sinh hoạt; 16% số hộ có nhà cao tầng kiên cố; 39% số hộ đạt mức hộ giầu
theo tiêu chí mới; 76.5% số gia đình đạt
danh hiệu gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đạt sấp xỉ 10,5 triệu đồng /người/năm.
Năm 2007, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa.
Vũ Minh Thành
Trưởng ban VHTT |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét