Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Nhà đài cơ sở

Phóng sự của đài PTTH Hải Dương về đài truyền thanh cơ sở, tháng 6 năm 2012

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Vài nét về thôn Ninh Xá - Lê Ninh - Kinh Môn - Hải Dương


NINH XÁ - VÀI NÉT SƠ LƯỢC

Hai pho tượng Trừng ác và Khuyến thiện tại chùa Yên Quang - Ninh xá

Ninh Xá là một làng cổ thuộc xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Xưa Ninh Xá có tên gọi là làng Nành, là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sơn thuỷ hữu tình,  nằm bên bờ hữu ngạn sông Kinh Thày - con sông nối liền với chiến tuyến Bạch Đằng lịch sử. Trên  quê hương Ninh Xá hiện còn lưu giữ được những địa danh gắn với hoạt động của nghĩa quân Ngô Quyền trên đường đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng như Nghè Vua - nơi cất giấu quân lương; Nghè Yến - nơi điểm quân, bãi Giầm thuyền (Đầm thuyền) - nơi cất giấu thuyền chiến v.vNay làng Ninh xá có tổng diện tích tự nhiên là 263.78 ha, là nơi cư trú của gần 30 dòng họ. Cùng với quá trình hình thành và phát triển của làng Ninh Xá, đình Ninh Xá được xây dựng khá sớm. Tuy chưa có tài liệu xác định niên đại cụ thể, song căn cứ vào 16 sắc phong hiện còn và 34 sắc phong được ghi chép trong thần phả trong đó có sắc phong sớm nhất vào năm Quang Thiệu thứ 7 (1522) thì đình Ninh Xá không thể xây dựng muộn hơn đầu thế kỷ thứ 16. Nơi đây thờ hai vị thành hoàng là Bố cái đại vương Phùng Hưng ( năm 761-802) và Ngô vương thiên tử Ngô Quyền ( sinh năm 897 mất năm 944) thân thế và sự nghiệp của các vị được lịch sử và các triều đại phong kiến ghi nhận như những bản anh hùng ca chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. 
              Tượng Đức Ông và hai vị Thành hoàng trước lễ rước trong dịp lễ hội Xuân Canh Dần - 2010

Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn thường hay lui tới, nên nơi đây tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm. Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung nhà Đường Cao Tổ, đời Đường Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ. Cho tới nay về ngày sinh và ngày mất của Phùng Hưng vẫn chưa rõ. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và mất ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần ông đánh được 2 con trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục. Lần khác lại trừ được hổ dữ, bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn lưu truyền về câu chuyện  đó.  Phùng Hưng cũng là vị anh hùng đầu tiên trong những người con ưu tú của đất Đường Lâm, và Phùng Hưng cũng là người anh hùng đầu tiên đã đánh chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), trị sở của chính quyền đô hộ lúc đó và xây dựng nền tự chủ trong khoảng gần chục năm. Năm Tân Mùi 791, mùa hạ, tháng 4, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành. Quân của Cao Chính Bình (khoảng hơn 4 vạn bia Quảng Bá) đem ra chống cự. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy, sử sách không để lại một nguồn tài liệu nào về ông. Sử liệu và truyền thuyết dân gian ở vùng Đường Lâm kể lại rằng: Phùng Hưng sau khi mất rất hiển linh, thường hiện hình trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng, lập miếu để thờ tự tại Đường Lâm. Tương truyền sau này, Phùng Hưng cũn hiển linh giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Thấy vậy, Ngô Quyền cho lập đền thờ quy mô to lớn hơn trước.
Đức vương Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 Đinh Tỵ (năm 897), ở ấp Đường Lâm, Ba Vì (Hà Nội), mảnh đất đã sản sinh và nuôi dưỡng Phùng Hưng, người Anh hùng của cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Đường thế kỷ thứ 7. Sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giữ yên bờ cõi đất nước, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ngài mất ngày 18 tháng Giêng năm 944.
Chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền ghi những trang sử vàng chói lọi, hào hùng về ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu nước, thương dân. Chiến công vĩ đại này chấm dứt nền thống trị hơn một nghìn năm đêm trường Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc ta. Với công đức của Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn là "Thượng đẳng tối linh đại vương"; là "Ngô vương Thiên tử"; và là "Vị Tổ trung hưng của dân tộc".

Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, mặc dù đình Ninh Xá đã nhiều lần bị hư hại, xuống cấp nhưng với tấm lòng thành kính tôn thờ anh linh các vị thành hoàng. Các thế hệ nhân dân Ninh Xá đã luôn có ý thức bảo vệ và giữ gìn tôn tạo di tích làm nơi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ đời sau. Gần đây nhất, năm 1994 di tích đã được Nhà nước các cấp đầu tư hỗ trợ và các thế hệ nhân dân trong làng đóng góp, công đức trùng tu tôn tạo trả lại vẻ đẹp vốn có và đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1997. Từ đó đến nay, hằng năm cùng với nhân dân trong thôn. Con em nhân dân Ninh Xá đang công tác hoặc sinh sống xa quê đều thành kính, tích cực công đức bằng hiện vật và tiền của để bổ sung, tôn tạo cho di tích ngày càng thêm khang trang.
Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của ông cha ta, trong các cuộc chiến trang giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước, cùng với nhân dân cả nước, nghe  theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, nhân dân Ninh Xá đã tiễn hàng nghìn lượt người ra mặt trận tham gia chiến đấu tại các chiến trường góp phần giải phóng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ Quốc Việt Nam XHCN. Trong số đó có 56 đ/c đã anh dũng hi sinh, được nhân dân lập bàn thờ trang trọng tại đại bái đình; nhiều người đã bị bom đạn thù cướp đi một phần xương máu trở thành thương binh. 157 đ/c được tặng Huân huy chương, nhiều người đã sĩ quan Quân đội, trong đó 12 đ/c có quân hàm  cấp tá, 5 đ/c là sĩ quan cao cấp. 4 bà mẹ được trao tặng và phong tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam anh hùng”. Thôn có 02 tiến sĩ; 02 người có trình độ Thạc sĩ, gần 80 người có trình độ đại học; trên 170 người có trình độ cao đẳng.
Những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới của đảng. dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ chính quyền địa phương, trực tiếp là chi uỷ chi bộ và cơ sở thôn, đời sống nhân dân trong thôn ngày càng phát triển. 100% số trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi. 100% số hộ được dùng điện sinh hoạt; 16% số hộ có nhà cao tầng kiên cố; 39% số hộ đạt mức hộ giầu theo tiêu  chí mới; 76.5% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; thu nhập bình quân đạt sấp xỉ 10,5 triệu đồng /người/năm. Năm 2007, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa. 


Vũ Minh Thành
Trưởng ban VHTT


Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

LỜI BÌNH PHIM: KHÀNH THÀNH NHÀ THỜ HỌ TẠ ĐÌNH THÔN VĨNH LÂM

LỜI BÌNH PHIM KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG HỌ TẠ ĐÌNH

Cách trung tâm UBND xã Lê Ninh chừng 2 km, đi dọc theo đường 389 về phía đông bắc, chúng ta đến làng Vĩnh Lâm, làng vừa được UBND huyện Kinh Môn công nhận là làng văn hóa năm 2012. Vĩnh Lâm là một làng cổ được hình thành khá sớm bên sườn bắc dẫy An Phụ hùng vĩ, là một trong 5 làng hợp thành xã Lê Ninh ngày nay. Theo các cụ cao niên trong làng và các tài liệu thư tịch cổ được truyền lại, Vĩnh Lâm xưa thuộc tổng Kinh Môn, phủ Hiệp Sơn, tỉnh Hải Dương. Từ năm 1945 trở về trước, Vĩnh Lâm chỉ có 40 hộ và trên 100 nhân khẩu. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, dân số tăng lên, nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp. Theo lịch sử để lại, Vĩnh Lâm trước đây là vùng rừng núi âm u hiểm trở. đến thế kỷ 17 có 3 cụ họ Đỗ, họ Tạ và họ Nguyễn đến khai hoang lập ấp. Tiếp sau đó các dòng họ như Lê, Vũ, Trần, Ngô, Tô, Phạm cùng đến định cư, mở mang thành làng xóm. Có lẽ cũng vì trước đây làng được hình thành bên sườn núi hiểm trở, rừng rú rậm rạp nên các cụ đã lấy tên làng là Vĩnh Lâm có nghĩa là nơi rừng sâu. Với địa thế hiểm trở, nên Vĩnh Lâm xưa được được các chiến sĩ cách mạng chọn làm nơi ẩn náu để xây dựng lực lượng hoạt động. Người Vĩnh Lâm gan dạ, anh dũng trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương. Từ xa xưa, người dân Vĩnh Lâm còn truyền lại bài thơ cổ nói về cảnh đẹp và truyền thống quê hương:
Vĩnh Lâm có đất anh hùng
Ai đi qua đấy phải trông cho tường
Trên thượng thuỷ, dưới hạ sơn
Chênh chênh bốn mặt lại vuông địa đồ
Đầu làng có con voi sô
Dưới khe trúc mọc sau chùa có thông
Lại thêm đèo vắt Hàm rồng
kia quật khúc vẫy vùng bể khơi
Rắn kia thò cổ ăn xôi
Hình nhân cưỡi ngựa đi chơi u rùa

Vĩnh Lâm hôm nay đang trên đường đổi mới
Mảnh đất, con người đang rạng rỡ những sắc hoa
Bóng cờ bay xen lẫn tiếng loa
Nhà cao tầng đang mọc lên san sát
Dòng nước sạch đến từng nhà trong mát
đường bê tông khắp ngõ xóm gần xa
mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ trong làng đều đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương. Xây cái mới nhưng người dân Vĩnh Lâm không bao giờ quên đi những nét văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc, của quê hương. Cũng như bao làng quê việt khác.
 Nghiêng nghiêng câu ca dao,
 Rêu phong ngôi chùa cổ.
 Âm vang tiếng  chuông chiều,
 Ngàn đời nền tự chủ. 

Đây là ngôi chùa cổ của làng được nhân dân trong làng trùng tu, tôn tạo lại năm 2008. Ngôi chùa như một chứng tích lịch sử quan trọng đánh dấu từng bước hình thành và phát triển của làng quê giầu truyền thống cách mạnh và bề dầy văn hóa này.
Cùng với lịch sử hình thành và phát triển của làng Vĩnh Lâm, dòng họ Tạ Đình – một trong 3 dòng họ được ghi nhận trong nhiều tư liệu là dòng họ Tiên công lập ấp cũng ngày càng phát triển, trưởng thành và có nhiều đóng góp xây dựng quê hương.
Theo gia phả của dòng họ. Cách đây khoảng trên 200 năm, khi mảnh đât Vĩnh Lâm còn hoang vu vắng vẻ, Cụ thượng tổ của dòng họ Tạ Đình thôn Vĩnh Lâm ngày nay là cụ Tạ Đình Kiên cùng con trai là cụ Tạ Đình Vượng trên đường đi tìm kế sinh nhai đã chọn nơi đây làm địa bàn khai cơ, lập nghiệp, cùng với các cụ thượng tổ của các dòng họ Đỗ, Nguyễn lập lên làng Vĩnh Lâm. Từ thủa ban đầu chỉ có 2 cha con, đến nay, Họ Tạ Đình làng Vĩnh Lâm đã có đến 10 đời nối dõi tổ tông với tổng số 58 hộ chia thành 2 ngãnh, một chi. Chưa kể đến trên 50 người là nữ đi xây dựng gia đình trên khắp mọi miền đất nước. Các thế hệ con cháu họ Tạ Đình luôn gương mẫu chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong kháng chiến Họ Tạ đình đã tiễn đưa hàng chục lượt con em ra trận tham gia tại khắp các chiến trường để bảo vệ sự bình yên cho Tổ Quốc. Trong số đó đã có 4 người anh dũng hy sinh, 5 người mang thương tật vì bom đạn kẻ thù được Đảng và Nhà nước ghi nhận công lao. Ngày nay, đất nước thái bình, các thế hệ dòng họ Tạ Đình vẫn đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương, hàng chục người đang công tác trong quân đội, doanh nghiệp hoặc các cơ quan nhà nước các cấp. Năm 2004, họ Tạ Đình cũng là một trong số những dòng họ thành lập quỹ khuyến học sớm nhất trong làng. đến nay đã có 8 cháu đỗ cao đẳng, đại học; 12 cháu đỗ trung cấp.
Như một nhà thơ đã từng viết:
 cây có gốc mới tươi cành xanh lá
Nước có nguồn mới bể cả, sông sâu
Con người nguồn gốc ở đâu
Có tổ tiên trước, tiếp sau có mình.
Hay nhiều câu triết lý, câu đối mà người xưa truyền lại như:
Sách Lễ Ký có câu nói  rằng: Vật bản hồ thiên , Nhân bản hồ tổ ( 物 本 乎 天, 人 本 乎 祖) nghĩa là: Toàn thể vạn vật nương nhờ căn bản nơi Trời là Đấng tạo Thiên lập Địa, cùng toàn thể nhân loại nương nhờ căn bản nơi Tổ tiên là bậc khai sáng. Triết lý cũng cho rằng nguồn cội của con người gồm hai phần, phần hữu hình, gần gũi nhất là cha mẹ, ông bà đã sinh ra hình hài xác thịt; phần vô vi không thấy được, phải suy luận mới nhận biết, đó là Đức Thượng Đế đã ban cho một Chân linh để con người có sự sống, sự hiểu biết và sự khôn ngoan.
            Người dân Việt Nam cũng tưởng nhớ đến ông bà qua câu ca dao sau đây:
                              Con người có tổ có tông,
                           Như cây có cội, như sông có nguồn.
            Khi nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục rộng lớn như trời biển của cha mẹ ông bà, phải chăm lo phụng dưỡng khi cha mẹ còn tại thế, và lễ bái để hồi hướng công đức đến người đã quá vãng.
            Do vậy, thờ cỳng Tổ tiên là nhằm thể hiện lòng tưởng cây cội nước nguồn, nhớ đến ân sâu nghĩa nặng, tức là tỏ lòng biết ơn và thương kính đối với những Chân linh người thân đó đào tạo nên cơ thể hữu vi cho con cháu ngày nay.
            Sự thờ Kính Tổ tiên Ông bà cũng là một cách để duy trì nền luân lý đạo đức, tế lễ để con cháu có dịp qui tụ về hầu nhắc nhở cho nhau sự tưởng nhớ nguồn cội, công đức của Tổ tiên, ông bà.
 “Mộc xuất thiên chi do nhất bản – Giang phân vạn phái tổng đồng lưu:” hoặc dị thể "Mộc xuất thiên chi do hữu bản - Giang phân vạn phái tổng tòng lưu"  nghĩa là : cây sinh nghìn cành từ một gốc – Sông chia vạn nhánh cùng chung một dòng. Lại nhớ câu xưa ẩm thủy tư nguyên – uống nước nhớ nguồn. Cũng nhờ ơn đức của Tổ tông mà ngày nay Họ Tạ Đình ngày càng lớn mạnh, con cháu trưởng thành. chính vì vậy mà dòng họ đã quyết tâm xây dựng từ đường để lớp lớp thế hệ con cháu phụng thờ tiên tổ. Được sự đồng thuận của cả dòng tộc nhất trí xây dựng từ đường. gia đình ông Tạ Đình Lộc đã hiến tặng dòng họ 180 m2 đất để dòng họ xây dựng. Khởi công vào ngày 16/1/2012. với sự nhiệt tình của toàn thể dòng họ, từ các cụ tuổi cao đến các cháu nhỏ đều phấn khởi, tham gia góp công, góp sức, công đức tiền của, vật chất để công trình sớm hoàn thành, thỏa mãn tâm nguyện. Và hôm nay đây, sau hơn tám tháng thi công với cả tấm lòng nhiệt huyết và trí tuệ. Các thế hệ dòng họ Tạ đình cùng về đây để dự lễ khánh thành ngôi từ đường của dòng họ.  Tới dự chung vui chúc mừng còn có các đ/c lãnh đạo đại diện đảng ủy, UBND xã, đại diện chi ủy chi bộ và cơ sở thôn Vĩnh Lâm cùng đại diện các dòng họ trong làng cũng có mặt đông đủ càng làm cho buổi lễ thêm phần long trọng. Thật là:
Hôm nay về với cội nguồn
Khánh thành nhà thờ tổ cháu con vui mừng
Niềm vui mơ ước bao ngày
Có nhà thờ tổ có ngày vinh hoa
Vui mừng đến với mọi nhà
Con chim có tổ con người có tông
Xứng danh con lạc cháu hồng
đền ơn đáp nghĩa tổ tông muôn đời.

Sau khi ôn lại truyền thống lịch sử của dòng họ. Ông Tạ Đình Bảo trưởng tộc đã long trọng thay mặt các thế hệ trong họ cắt băng khánh thành từ đường họ Tạ Đình, tiếp đó các thế hệ cùng dự lễ dâng hương tổ tiên.

Nhớ ơn tiên tổ muôn đời
 Noi gương tiền bối sáng ngời thiên thu
 Hậu duệ tích đức nguyện tu
 Cho dòng giống nở muôn hoa quế hòe
 Tổ Tiên đức độ bao la
phù trì con cháu gần xa thọ trường
 Tri ân thắp 1 nén nhang
 Khấu đầu kính cẩn nghiêng mình bái vong
Trước từ đường tôn kính  uy linh
Cầu cho dòng họ quang vinh đời đời

 Kết thúc buổi lễ, trong khí thế từng bừng và niềm vui bất tận, mọi người lại cùng ngồi bên mâm cơm đẻ hàn huyên tâm sự và cùng nâng chén rượu nồng chúc phúc cho nhau;
Nâng chén rượu thơm chúc cho nhau
đời đẹp cùng xuân thắm sắc mầu
Đá vàng còn đó xin gìn giữ
Truyền thống tổ tiên mãi bền lâu!


Vũ Minh Thành