Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Họa tiết hoa văn dùng trong đồ thờ cúng

Họa tiết hoa văn dùng trong đồ thờ cúng


          Chữ Thọ, Chữ Vạn, Phước Lộc Thọ …Sống thọ để hưởng phúc lộc vẫn là ước muốn muôn thuở muôn phương của nhân loại. Chữ thọ , chữ vạn được viết cách điệu để làm hoa văn đồ thờ cúng.
Chữ Thọ

 
CHỮ THỌ theo chữ Hán xếp vào bộ sĩ gồm có 5 chữ cấu thành.
Chữ SĨ xếp trên đầu chữ Thọ. Sĩ nghĩa đen là học trò, học rộng là sự hiểu biết, là tư duy. Như vậy điều đầu tiên muốn sống lâu thì bộ óc luôn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo. Có nhiều công trình khoa học có giá trị được đúc kết phát minh ở vào tuổi trên 70. Người Pháp có câu tục ngữ “Tôi suy nghĩ, là tôi tồn tại”. Như vậy thường xuyên suy nghĩ sáng tạo là giúp ta sống lâu.
Chữ cấu thành thứ 2 của chữ Thọ là chữ NHỊ, nghĩa đen là hai. Nghĩa rộng ra là quan hệ giao lưu qua lại. Người già muốn sống lâu phải thường xuyên giao tiếp tìm đối tác, trao đổi từng lĩnh vực của đời sống như văn hóa, chính trị, khoa học, kinh tế xã hội. Việc giao tiếp này cũng có nghĩa là nâng cao năng lực tư duy, giải tỏa những mắc mớ làm cho đầu óc thanh thản. Trong phương châm sống của người Trung Hoa, người già cần có vợ chồng chung thuỷ, có bạn bè tri kỉ để trao đổi tâm tình. Có nhiều cụ sống trên 80 tuổi, số bạn bè càng ngày ít vì các cụ đã dần dần ra đi, do đó cần phải tăng cường giao lưu để có nhiều bạn mới, có cơ hội gặp nhau thường xuyên, sống vui vẻ là ít bệnh tật hơn.
Chữ thứ 3 của chữ Thọ là chữ CÔNG, nghĩa là vận động. Người già muốn sống lâu cần vận động theo sức lực của mình, trong vận động đáng chú ý nhất là đi bộ.
Chữ thứ 4 là chữ Thọ là chữ KHẨU, nghĩa là miệng. Trong các chữ Hán có nghĩa phát ra lời nói, phần lớn có chữ Khẩu hoặc chữ Ngôn (nói). Chữ Khẩu trong chữ Thọ có nghĩa trừu tượng hơn.
Chữ thứ 5 là chữ cuối cùng của chữ Thọ là chữ THỐN, theo nghĩa đen là tấc, nghĩa rộng là sự đo đếm, là mực thước. Chữ này ở trong chữ Thọ là quy định 4 hoạt động trên đây đều nên ở một mực thước nhất định, là định lượng các hoạt động ở một mức thích hợp cho từng người chứ không phải cho tất cả mọi người.
Chữ Vạn
Chữ Vạn là một biểu tượng chữ thập với bốn góc vuông về góc phải và hướng sang bên phải, có hướng các đầu mút xoay ngược chiều kim đồng hồ. Hình chữ “Vạn” lại nổi tiếng được biết đến như là một biểu tượng rất phổ biến tượng trựng cho vận may tốt lành.
Hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là “phúc lộc, an khang, thành công, thịnh vượng”. Đây là biểu tượng của sự may mắn, đã từng xuất hiện lần đầu khoảng 16.000 đến 14.000 trước công nguyên.
Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng. Chữ Vạn còn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật , vị trí trên ngực. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật.
Biểu tượng chữ “Vạn” là một ký hiệu của những điều liên quan đến Mặt trời, con số 10.000 (“Vạn” còn có nghĩa là mười ngàn) ở Trung Quốc và Nhật Bản, sự trường tồn hoặc sự sáng tạo vô tận, và một vòng tròn đang quay. “ Khi chữ Vạn quay tròn theo chiều kim đồng hồ nó tượng trưng cho năng lượng, sức mạnh và sự thông thái của vũ trụ. Khi quay tròn ngược chiều kim đồng hồ nó tượng trưng cho sự khoan dung từ bi.”
Trong tiếng Phạn, biểu tượng “Vạn” được gọi là Swastika, và phiên âm sang Hán ngữ là Thất-lợi-bạt-tha có nghĩa là Cát Tường Hải Vân (vầng mây lành trên biển) hay Cát Tường Hỷ Triền (vòng xoay tốt lành). Biểu tượng này được quan niệm như một cát tướng. Nó biểu thị tính chất tốt lành của dân tộc Ấn Độ cổ đại nói riêng và của cả chủng người Aryan nói chung. Bà la môn giáo cho rằng biểu tượng “Vạn” chỉ là chòm lông xoáy ở trước ngực của thần Vishnu là một trong những tướng tốt của các vị thần này. Nhưng nguồn gốc sâu xa của văn hóa Ấn Độ thì biểu tượng “Vạn” vốn hình chòm lông xoắn ốc trên đầu con bò. Mà bò thần Nadin cũng có khi lại chính là hiện thân của thần, nên về sau biến thành tướng lông xoắn trước ngực thần Vishnu là vậy. Từ tướng tốt của thần về sau, được mở rộng quan niệm thành một trong ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân đại đức – Trên ngực Đức Thích Ca Mâu Ni. Vấn đề này từ thế kỷ thứ VIII trước Tây lịch, Bà la môn giáo đã ghi chép tướng “Vạn” là thụy tướng trước lồng ngực của Thần Vishnu. Và đến khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch kinh Phật ghi chép về tướng tốt này. Nếu nói ở một chừng mực nào đó thì biểu tượng “Vạn” của Phật giáo chỉ chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo chứ không hoàn toàn đồng nhất với Bà la môn giáo!

Bàn thờ khắc hoa văn chữ Vạn 

Nhưng nếu quan sát, ta thấy hiện nay trong các sách viết về Phật giáo cũng như trong các ngôi chùa Việt Nam biểu tượng “Vạn” không có sự thống nhất về chiều xoay. Ai thích xoay kiểu nào thì làm kiểu đó! Có khi là theo chiều kim đồng hồ , có khi là ngược chiều kim đồng đồng hồ . Với các từ điển gia cũng tương tự. Thiều Chửu cho rằng “Chữ này trong kinh truyện không có, chỉ trong kinh nhà Phật có thôi. Nhà Phật nói rằng khi Phật giáng sinh trước ngực có hiện ra hình chữ người sau mới biết chữ ấy. Trong bộ Hoa-nghiêm âm nghĩa nói rằng: chữ nguyên không có, đến niên hiệu Tràng-thọ thứ hai đời nhà Chu mới chế ra và âm là vạn, nghĩa là muôn đức tốt lành đều họp cả ở đấy. Lại chữ , nguyên tiếng Phạm là Śrīvatsalakṣaṇa. Các ngài La-thập, Huyền-trang dịch là đức , ngài Bồ-đề lưu-chi dịch là vạn . Ở bên Ấn-Độ thì tương truyền là cái tướng cát tường, dịch là đức là nói về công đức, dịch là vạn là nói về công đức đầy đủ. Song nguyên là hình tướng chứ không phải chữ, cho nên dịch là cát-tường hải-vân-tướng mà theo hình xoay về bên hữu là phải hơn. Vì xem như nhiễu Phật thì nhiễu về bên hữu, hào quang của Phật ở khoảng lông mày phóng ra cũng xoay về bên hữu, thì viết xoay về bên hữu mới là tướng cát-tường, có chỗ làm xoay về bên tả là lầm”.
ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét