Chùa Ninh Xá xã Lê Ninh (Kinh Môn - Hải Dương) có tên chữ là Yên Quang tự, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân Ninh Xá. Ngôi chùa được khởi dựng vào thế kỷ XVI; lần trùng tu, tôn tạo gần nhất trước khi thống nhất đất nước vào thời Nguyễn (năm Kỷ Mão - 1939). Chùa có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Vì địa thế thuận lợi của vùng đất này nên năm 938, Đức Vương Ngô Quyền đã chọn Ninh Xá làm căn cứ đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.
Ngày nay vẫn còn chứng tích liên quan đến việc cất giấu quân lương, vũ khí của nghĩa quân như khu vườn vông, nơi cất giấu quân lương; Vườn Quan, nơi điểm quân; Đầm thuyền, nơi cất giấu thuyền chiến.
Trong
cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 (1288), vùng Ninh Xá
được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm căn cứ đóng quân, phục
kích địch khi chúng từ Vạn Kiếp rút chạy qua sông Kinh Thầy.
Toàn cảnh chùa Yên Quang
Năm 1947, trước tình hình thực dân Pháp hành quân đánh chiếm các xã ven đường 186, do Ninh Xá được công nhận là nơi chiến đấu tốt nên cán bộ Việt Minh của huyện đã về tập hợp điểm quân và họp bàn tại chùa để chuẩn bị chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Từ năm 1947-1950, chùa còn là nơi mở các lớp bình dân học vụ. Năm 1953, chùa là nơi trú ẩn của bộ đội ta. Một thời gian sau do có việt gian chỉ điểm, quân Pháp đã dùng đại liên, pháo cối bắn phá dữ dội làm hỏng 5 gian tiền đường.
Năm 1948, chùa tiếp tục là nơi ẩn nấp để hoạt động cách mạng của cán bộ Việt Minh. Trong đó có đồng chí Trần Quang Thanh - Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến huyện Kinh Môn. Nhờ sự che chở của chùa mà thoát khi bị địch truy lùng.
Năm 1953, do có một số việt gian chỉ điểm, địch biết lực lượng du kích Việt Minh của ta đang hoạt động ở chùa nên chúng đã dùng đại liên, pháo cối, moóc-chê bắn dữ dội vào khu vực chùa Ninh Xá và các hộ dân xung quanh làm nhiều người dân chết oan, 5 gian tiền đường của chùa bằng gỗ lim bị cháy hỏng nặng, Cũng trong năm này, đội lính Lê dương của Pháp kéo nhiều lần vào chùa lùng sục nhằm bắt cán bộ của ta nhưng đều thất bại. Tức giận, chúng đã lấy tượng Đức Thánh Hiền mang đi nhưng vài hôm sau lại mang trả. Người dân địa phương cho rằng sự linh thiêng hiển ứng của chùa đã làm cho chúng sợ hãi nên chúng mang trả lại tượng vào vị trí cũ và về sau không dám đụng đến ngôi chùa này nữa. Hòa bình lập lại, năm 1954, được sự hỗ trợ của chính quyền, Sư Nguyễn Sĩ Huệ đã cùng nhân dân trong làng góp công, góp của tu sửa lại 5 gian tiền đường của chùa theo lối "thượng thực- hạ hư" để tiếp tục phụng thờ, tu tập.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chùa Ninh Xá lại được chọn là nơi chứa kho thóc của Huyện ủy Kinh Môn để phục vụ kháng chiến. Năm 1994, nhân dân trong làng đã một lần nữa cùng nhau tu sửa lại những hạng mục chính như dui, mè, đảo ngói, chát tường, tô tượng, sửa gác chuông ...
Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn phá. Ngôi chùa cổ của làng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cột kèo, dui mè đều đã bị mối mọt, mục nát, mái ngói đã bị xô, vỡ, trời mưa là dột thấm làm cho tốc độ xuống cấp của ngôi chùa càng nhanh hơn và làm cho những pho tượng cổ trong chùa cũng phải chịu chung số phận.
Thời gian không chờ ta! Những di sản quý giá cả về mặt tâm linh, tín ngưỡng lẫn giá trị nghệ thuật và hơn thế nữa là giá trị đạo đức được gửi gắm trong những di sản đó mà ông cha để lại không thể để mai một thêm được nữa. Được sự nhất trí cho phép của các cơ quan chức năng và sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể nhân dân trong làng và tất cả những người con quê hương Ninh Xá đang học tập, công tác, sinh sống xa quê mà đặc biệt phải kể đến sự đóng góp công đức tài trợ chính của gia đình cụ Lê Đình Ấn cùng con là ông Lê Đình Long, người con của quê hương Ninh Xá đang công tác và sinh sống tại Hà Nội. Ngày 27 tháng 4 năm 2011 (nhằm ngày 25/3 năm Tân Mão) Nhân dân trong làng đã tổ chức Lễ khởi công trùng tu – tôn tạo chùa Yên Quang. Sau 8 tháng triển khai thi công nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, toàn bộ công trình trùng tu tôn tạo Yên Quang tự đã hoàn chỉnh. Tổng giá trị trùng tu, tôn tạo chùa và các hạng mục liên quan lên đến trên 4 tỷ đồng. Trong đó riêng gia đình ông Lê Đình Long đã công đức toàn bộ phần chùa chính với số tiền trên 3 tỷ đồng, còn lại nhân dân trong làng và những người con Ninh Xá đang học tập, công tác, sinh sống xa quê đóng góp công đức.
Hiện nay ngôi chùa có kiến trúc chữ Đinh (J) gồm 7 gian tiền đường và 3 gian thượng điện. Qua tam quan là sân chùa rộng 323,6 m2 được lát gạch vuông đỏ. Giữa sân có lư hương và bức phù điêu bằng đá chạm khắc long quần vân tản. Hai bên là rồng chầu biểu trưng cho thái bình, thịnh trị, trên là bức cuốn thư đá, một bên là ngọn bút thiêng thể hiện tinh thần hiếu học, một bên là thanh gươm báu thể hiện ý chí quật cường của dân tộc quyết bảo vệ non sông đất nước. Tiền đường dài 15,7 m, rộng 6,1 m xây kiểu bít đốc bổ trụ. Bộ khung chịu lực gồm 5 vì kèo kiểu kẻ chuyền chồng chóp, chạm nhẹ hoa văn lá lật, hai bộ vì áp hồi làm theo kiểu ván mê... Trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng cổ; 3 bia đá thời Nguyễn (thế kỷ XIX) ghi lịch sử ngôi chùa và những phật tử có lòng từ bi, góp công của để trùng tu, tôn tạo.
Những pho tượng cổ còn lưu giữ trong chùa Yên Quang - Ninh Xá mang đầy nét nghệ thuật và thần thái uy nghi đặc sắc
Đồng chí Nguyễn Thị Kha - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Thị xã Kinh Môn dự và trao bằng
Công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh chùa Ninh Xá (Yên Quang tự cho địa phương
Về với quê hương Ninh Xá hôm nay, chúng ta tự hào và vui mừng trước những đổi thay nhiều mặt và sự vững bền của một vùng quê mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Thắp nén nhang thơm trước anh linh nhị vị thành hoàng làng trong ngôi đình đã được xếp hạng quốc gia và vào chùa vãng cảnh, kính trình Tam bảo, học đức thánh hiền, thấm nhuần phật pháp, cúng dường đức phật tổ từ bi. Chúng ta cùng cầu chúc cho đất nước thái bình, quê hương đổi mới, trời cho mưa thuận gió hoà, đất góp hoa thơm trái ngọt; nhà nhà no ấm an lành, người người sang giầu hạnh phúc!
Bài và ảnh: Vũ Minh Thành