Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

MỘT SỐ BIẾN ĐỘNG ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NGÀNH GIÁO DỤC XÃ NHÀ

MỘT SỐ BIẾN ĐỘNG ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NGÀNH GIÁO DỤC XÃ NHÀ

Năm 2014 đã sắp trôi qua, đây cũng  là một năm đầy biến động đối với ngành giáo dục xã nhà. Cuối tháng 8, đ/c Nguyễn Thị Song, nguyên hiệu phó trường Mầm Non nghỉ hưu. đ/c Nguyễn Thị Bích được điều chuyển từ hiệu phó trường MN An Sinh về thay đ/c Nguyễn Thị Song. Đầu tháng 10, đ/c Lê Thị Kim Vân, hiệu trưởng trường THCS được nghỉ chế độ. Đ/c Ngô Văn Điềm được bầu bổ sung làm phó hiệu trưởng trường THCS. Không lâu sau đó, thực hiện chương trình luân chuyển cán bộ quản lý giáo dục của huyện, ngày 10/11, đ/c Nguyễn Văn Phán, Hiệu trưởng trường Tiểu Học Lê Ninh được điều chuyển đến làm Hiệu trưởng trường TH Phạm Mệnh, Đ/c Lê Văn Đô, Hiệu trưởng trường THCS LN được điều động đến làm Hiệu trưởng trường THCS Thất Hùng. Thay vào đó là các đ/c Bùi Văn Nhịp, nguyên hiệu trưởng trường Tiểu Học Quang Trung và đ/c Nguyễn Lâm Hợp, nguyên Chuyên viên phòng Giáo dục huyện Kinh Môn. Cùng với việc luân chuyển cán bộ quản lý, theo chủ trương chung của ngành giáo dục và nội vụ. gần 30 giáo viên của trường Mầm Non Lê Ninh đã được đặc cách vào biên chế chính thức của trường. Ngoài ra còn có một số giáo viên cũng được luân chuyển và bổ sung.
Đ/c Nguyễn Lâm Hợp tặng hoa chia tay đ/c Lê Văn Đô

Đ/c Vũ Đức Văn, Bí thư đảng ủy thay mặt lãnh đạo địa phương tặng quà lưu niệm chia tay đ/c Nguyễn Văn Phán
Đại diện học sinh lưu luyến chia tay thầy Nguyễn Văn Phán

Đ/c Bùi Văn Nhịp nhậm chức Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Ninh

Vũ Thành,  Đảng ủy viên phụ trách chi bộ chụp hình lưu niệm với Bí thư Chi bộ 6 Nguyễn Văn Phán

khu phòng học mới xd của trường Tiểu Học Lê Ninh

Về cơ sở vật chất, năm 2014 UBND xã đã đầu tư xây dựng cho trường Tiểu Học khu phòng học 2 tầng gồm 8 phòng kiên cố, trị giá trên 4 tỷ đồng. Các công trình phụ trợ như nhà để xe cho học sinh, sân trường cũng đã được nhà trường và hội phụ huynh học sinh hoàn thiện tạo điều kiện tốt hơn cho công tác nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường. Bên cạnh đó, trường Mầm non cũng đã được cấp trên hỗ trợ bộ tổ hợp vui chơi giải trí ngoài trời cho trẻ trị giá trên 30 triệu đồng.

Hy vọng rằng cùng với sự đổi mới về nhân sự quản lý và bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, năm học 2014 – 2015 chất lượng giáo dục của xã nhà cũng sẽ thu được nhiều kết quả tốt đẹp hơn, từng bước thực hiện tốt mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ Việt Nam có đủ Đức – Trí –Thể -Mỹ; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có đủ tri thức để tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại áp dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, góp phần thực hiện tốt mục tiêu mà Nghị Quyết TW2 K8 đã đề ra. 

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Phim về Lê Ninh cách đây 14 năm, nhiều hình ảnh nay không còn nữa

Mời mọi người xem lạị những hình ảnh về quê hương Lê Ninh, Kinh Môn, Hải Dương cách đây 14 năm. phim được thực  hiện tháng 6 năm 2000.
https://www.youtube.com/watch?v=SnUNu87OONc&feature=youtu.be

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

NGHÈ - ĐÌNH LÊ XÁ, XÃ LÊ NINH ĐƯỢC ĐÓN BẰNG DI TÍCH CẤP TỈNH


Mời quý vị và các bạn xem phim Lễ đón bằng Di tích lịch sử Nghè - Đình Lê Xá - xã Lê Ninh theo tuần tự các link sau:
https://www.youtube.com/watch?v=h0TYQMR_M3E
https://www.youtube.com/watch?v=VsuQCbCEr5g
https://www.youtube.com/watch?v=g9BLlvzeTDc
 https://www.youtube.com/watch?v=AN9HRZ4x6e0

                                                                         Nghè Lê Xá
                                                                          Đình Lê Xá

Ngày 16 tháng 3 năm 2014 (16/2/Giáp Ngọ) UBND xã Lê Ninh đã long trọng tổ chức lễ đón bằng công nhận xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cụm di tích Nghè - Đình thôn Lê Xá, xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn , Tỉnh Hải Dương.
Về dự lễ đón bằng và lễ hội truyền thống Di tích Nghè - Đình Lê Xá, ở huyện có Đ/c Tiên Văn Hồng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Đ/c Trương Công Huấn - Thường vụ huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện. Đ/c Nguyễn Thị Liễu, Thường vụ huyện ủy - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng các đ/c trưởng các ban ngành, đoàn thể huyện Kinh môn, đại diện lãnh đạo các xã bạn, đại diện các cơ quan, doanh nghiệp đóng quân trên địa bàn khu vực lân cận, lãnh đạo Đảng ủy, Chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương, các đ/c Bí thư chi bộ, trưởng - phó thôn của các thôn trong toàn xã cùng đông đảo bà con nhân dân và quý khánh thập phương đã về dự lễ.
Tại buổi lễ, đ/c Nguyễn Thị Liễu - Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn đã tặng hoa, trao Bằng xếp hạng di tích cho địa phương và có bài phát biểu quan trọng với địa phương, trong đó đ/c đã nêu bật giá trị to lớn của di tích, đồng thời ghi nhận, biểu dương công tác bảo tồn, tôn tạo di tích của cán bộ và nhân dân địa phương. đ/c cũng giao nhiệm vụ cho cán bộ và  nhân dân địa phương thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý di tích huyện Kinh Môn và các ngành chức năng của huyện trong công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo các di tích trên địa bàn xã.
Di tích Nghè - Đình Lê Xá  là di tích thứ 4 trong xã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích được xếp hạng gồm Đình Ninh Xá xếp hạng Quốc gia năm 1997; Đình Nội Hợp xếp hạng Quốc gia năm 2006 và Đình Tiên Xá được xếp hạng cấp tỉnh năm 2007.

Một số nét chính về di tích Nghè - Đình Lê Xá




ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ LÊ NINH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 

Lê Ninh, ngày 28 tháng 02 năm 2014

TÓM TẮT LỊCH SỬ DI TÍCH
NGHÈ – ĐÌNH LÊ XÁ – XÃ LÊ NINH

1. Sơ lược về địa bàn xã

Lê Ninh là một xã miền núi phía tây bắc của huyện Kinh Môn. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 1.212,11 ha. Dân số năm 2013 là 7.867 người. Nghề nghiệp chủ yếu là nông nghiệp. Xã có 5 thôn gồm Vĩnh Lâm, Lê Xá, Nội Hợp và Tiên Xá, trong đó thôn Lê Xá là thôn trung tâm của xã. Toàn xã có 2 làng văn hóa, trong đó Ninh Xá được tỉnh công nhận năm 2007. Vĩnh Lâm được huyện công nhân năm 2012. Về hệ thống di tích: Hiện tại toàn xã đã có 4 di tích được xếp hạng trong đó Đình Ninh Xá được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; Đình Nội Hợp được xếp hạng cấp Quốc gia năm 2006. đìnhTiên Xá được xếp hạng cấp tỉnh năm 2007 và Nghè – Đình Lê Xá được xếp hạng năm 2014.
Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vào đầu thế kỷ 19, thôn Lê Xá là một xã thuộc Tổng Kim Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn. Năm Tự Đức thứ 6 (1853) đến năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), nhà Nguyễn bỏ đơn vị hành chính cấp tổng và phủ, Lê Xá cùng các làng xã của Lê Ninh thuộc huyện Đông Triều. Năm Thành Thái  thứ 5 (1893) thuộc về tổng Kim Lôi, huỵện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Năm Duy Tân thứ 3 (1909) xã Lê Ninh thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương. Năm Khải Định thứ 9 (1924) thuộc huyện Hiệp Sơn, Phủ Kinh Môn. Từ sau cách mạng tháng 8/1945, xã Lê Ninh gồm 5 thôn Vĩnh Lâm, Lê Xá, Nội Hợp, Tiên Xá và Ninh Xá như ngày nay.
Thôn Lê Xá là thôn trung tâm của xã, toàn bộ các cơ quan hành chính của xã đều nằm trên địa bàn thôn. Thôn có trên 2.5 km đường 389 đi qua nên thuận tiện cho giao thông phát triển các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ. Là thôn có lịch sử truyền thống lâu đời, hiện tại, Lê Xá là địa bàn quần cư của có 673 hộ, 2300 nhân khẩu, 43 dòng họ lớn nhỏ. Trong đó họ Trịnh, họ Ngô, họ Nguyễn được coi là “Tiên công lập ấp” cùng với các dòng họ khác chung sống đoàn kết xây dựng quê hương và lập lên Nghè – Đình làng Lê Xá như ngày nay, đáp ứng đời sống tinh thần và nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Năm 2013, thôn Lê Xá có 452/638 = 70.8% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Cán bộ và nhân dân trong thôn đang nỗ lực phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xây dựng làng văn hóa.
2. Di tích và danh nhân được thờ phụng tại Nghè – Đình Lê Xá
 - Nghè Lê Xá
Theo tấm bia ghi sự tích Thành hoàng hiện đang được lưu giữ tại di tích và tương truyền trong nhân dân địa phương, ngôi nghè được xây dựng vào thời Lý Thái Tông (1028-1054). Ngôi Nghè có kiến trúc kiểu chữ nhất (-), gồm 3 gian, kết cấu kiến trúc kiểu kèo cầu, trụ báng. Trải qua chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, ngôi nghè đã được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ được nhiều nét cổ kính. Năm 1968 bão lớn đã làm đổ một bức hồi, nhân dân quyên góp tiền dựng lại theo dáng vẻ cũ. Năm 1992, nhân dân tổ chức trùng tu tôn tạo như đảo ngói, làm lại sân, vườn và quy hoạch lại diện tích, kè tường bờ ao để giữ được di tích như ngày nay.
- Đình Lê Xá:
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Ngôi đình được xây dựng vào thờ Nguyễn thế kỷ XIX, có kiến trúc kiểu chữ Công () gồm 5 gian đại đình, 3 gian trung từ và 5 gian hậu cung, kết cấu kiến trúc kiểu đao tàu déo góc với những mảng chạm khắc tinh xảo. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình đã nhiều lần là căn cứ cho lực lượng Việt Minh họp kín để triển khai nhiệm vụ hoạt đông du kích. Năm 1943, thực dân Pháp phá hủy ngôi đình. Năm 1957, hai giải vũ bị tháo dỡ phục vụ mục đích tiêu thổ kháng chiến. Năm 1993, để đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhân dân đã quyên góp tiền của để phục dựng lại ngôi đình trên nền đất cũ và trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của cả làng. Ngôi đình hiện tại có kiến trúc kiểu chữ Nhất (-) gồm 5 gian với kiến trúc tương đối đơn giản.  
Hiện tại, cụm di tích Nghè – Đình Lê Xá còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật có giá trị như: Nghè Lê Xá đang lưu giữ bát hương gốm Phù Lãng (thế kỷ 18), bia thần tích thời hậu Lê (năm 1737), ngai, tượng thành hoàng làng thời Nguyễn (TK 19). Ngôi đình còn lưu giữ hòm sắc, mâm bồng thời Nguyễn (TK 19). Đài rượu thời Nguyễn (TK 20) cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.
- Nhân vật được thờ:
Nghè – Đình Lê Xá – xã Lê Ninh thờ thành hoàng Chu Viết Hồng, đây là vị nhân thần có công giúp vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) đánh giặc Chiêm Thành cứu nước. Tương truyền, thành hoàng Chu Viết Hồng vốn là người làng Minh Hương (Bắc Quốc). Năm 17 tuổi, tư chất thông minh, tài cao hiểu rộng, văn võ song toàn, lúc đó giặc Chiêm Thành đem quân xâm lược nước ta. Nghe lệnh vua truyền, ông xin cầm quân đi giết giặc. Ông đã đánh thắng nhiều trận, giết nhiều quân giặc, song thế địch ngày càng mạnh, ông và quân sỹ đã ngoan cường chiến đấu. Về đến Đông Triều huyện, Lê Xá trang, địa phận núi Cổ Ngựa cả người và ngựa đều bị thương nặng, đến đêm 10 tháng 7 âm lịch ông hóa. Ghi nhớ công lao của vị tướng tuổi trẻ, tài cao, triều đình nhà Lý đã ban phong làm “Thượng đẳng phúc thần” và ban cho trang Lê Xá được xây dựng đền miếu để phụng thờ. Các triều đại về sau đều ban nhiều sắc phong ghi nhớ công ơn của ngài.
3. Phong tục lễ hội:
Hằng năm, cứ vào các ngày từ 15 đến 18 tháng 2 âm lịch, nhân dân trong làng lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ công đức của vị thành hoàng làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh. Trong lễ hội, ngày 15 tháng 2 có lệ rước thành hoàng làng và bài vị của ngài từ Nghè về Đình làm lễ an vị, tế khai hội và thờ phụng trong suốt những ngày lễ hội. Trong các ngày lễ hội, làng phân cho các xóm tổ chức sắm lễ trong thời gian cụ thể để liên tục có lễ về lễ thánh. Đồng thời tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống như kéo co, cờ tướng, cầu thùm, bịt mắt bắt dê, đấm niêu đất v.v... Trước đây, trong lễ rước có tục cúng lợn ông bồ, ngày nay tùy theo điều kiện hằng năm các dòng họ và các xóm có thể tổ chức rước lợn lễ thánh nhưng không nhất thiết. Riêng ngày 17 tháng 2 âm lịch, theo lệ cổ làng ngừng các hoạt động vui chơi ca hát, chỉ hương khói giữ lễ. Ngày 18 tháng 2 làng tổ chức tế giã và rước thành hoàng cùng bài vị trở lại làm lễ an vị tại nghè và kết thúc lễ hội. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây có năm do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc làng có đám héo nên xin thành hoàng cho phép rút ngắn thời gian lễ hội để rước ngài về nghè sớm hơn thường lệ nhưng xin đài không được. Làng vẫn tổ chức rước giã nhưng đi chưa được nửa đường, kiệu bỗng quay tròn rồi chạy như băng về đình. Dân làng đành lễ tạ và duy trì lễ hội theo đúng truyền thống. ở Lê Xá ngày nay vẫn còn lưu giữ tục lệ tránh tên húy của thành hoàng như: quả hồng thì gọi chệch thành quả cậy; không ai được đặt tên con cháu là Hồng vì phạm húy, những nàng dâu của làng tên Hồng đều được các gia đình gọi chệch sang tên khác.  
4. Quyết định công nhận:
Theo Quyết định số 438/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2014 của UBND tỉnh Hải Dương do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển ký, Nghè – Đình Lê Xá được công nhận xếp hạng là Di tích lịch sử. Khoanh vùng bảo vệ gồm:
Khu vực I: 1319 m2
Khu vực II: 13.275 m2


NGƯỜI LẬP



CC VHXH - PHÓ BQL DT XÃ
VŨ MINH THÀNH


Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Ninh Xá khánh thành công trình bãi xe, công viên phụ trợ di tích

Ngày 26/01/2014, thôn Ninh Xá long trọng tổ chức lễ khánh thành cụm công trình phụ trợ di tích LSVH  cấp Quốc gia - đình Ninh Xá gồm Khu bãi tập kết xe, hồ nước, công viên cây xanh do gia đình ông Lê Trung Ấn và con trai là Lê Đình Long tài trợ đầu tư trên 1 tỷ đồng xây dựng cho địa phương. Trong 3 năm qua, gia đình ông Lê Trung Ấn và con trai ông đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng giúp nhân dân Ninh Xá xây dựng các công trình phúc lợi công cộng như Nhà Mẫu giáo, sân đình; trùng tu Yên Quang tự và Nghè Vua, Nghè Yến, giếng Sen.