Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Văn tế các anh hùng Liệt Sĩ

Đây là bài văn tế các anh hùng Liệt sĩ được viết năm 2007 dựa theo gợi ý của bố là Vũ Đình Kim và có dựa theo một sô bản văn tế của các nhà văn.


VĂN TẾ LIỆT SĨ

Tuế thứ Đinh Hợi niên, thu thiên thất nguyệt
Hải Dương tỉnh, Kinh Môn huyện , Lê Ninh xã, Ninh Xá thôn

Đẹp thay:
Mây thắm Lê Ninh
Trời xanh Ninh Xá!
Nắng đầu thu man mác Kinh Thày,
Gió tháng bảy Thông Sơn xào xạc.
Thắp nhang thơm cung kính người xưa,
Dâng lễ vật tri ân đời trước.

Nhớ linh xưa !
Thủa ấu thơ sống cơ hàn chỉ côi cút làm ăn,
Lúc trai tráng khát tự do để dựng xây đất nước!

Uất ức thay!
Mấy tầng Nhật - Tây áp bức, dân lầm than chẳng có ruộng cầy,
Dưới tay ác bá - cường hào, người nô lệ thiếu cơm ăn, áo mặc.
Công trường, nhà máy - công nhân ta nén chịu đòn roi,
Hầm mỏ, xí nghiệp, chủ Nhật - Tây mặc lòng vơ vét.
Sưu cao: biết bao người phải bán vợ đợ con,
Thuế nặng: bao gia đình phải nhà tan , cửa nát!
Làng xóm tiêu điều,
Quê hương tan tác!
Nợ nước - lòng căm hờn không thể bỏ qua,
Thù nhà - chí anh hùng quyết tâm phải trả.

Nên các anh:
Dạ căn thù  lũ phong kiến , thực dân,
Sức trai tráng nguyện hiến thân vì nước.
Dõi truyền thống từ Bà Trưng, Bà Triệu.
Quyết giữ yên bờ cõi các Vua Hùng!
Năm ba mươi (1930 ) Đảng dẫn lối chỉ đường
Bác soi sáng cả tâm hồn dân tộc.

Xô Viết - Nghệ An tiếng trống dồn đánh Nhật
Bến Thuỷ, Thành Vinh phá kho thóc cứu dân.

Dốc một lòng vì nước quên thân
Chung một dạ vì dân phục vụ.

Lớp lớp các anh  lần lượt lên đường
Trùng trùng đoàn quân theo lời Đảng gọi.

Phá bốt : Nhật hàng, quân ta tiến tới,
Công đồn : Pháp sợ, thế nước uy nghiêm.

Hồn thiêng dân tộc ngút trời,
Khí phách non sông vời vợi.

          Mồng 2 tháng 9 năm 1945:
Đảng : mười lăm tuổi đã thống nhất giang sơn
Quân: mới một năm quyết giữ yên bờ cõi.

Mồng 7 tháng 5 năm 1954:
Tám mươi năm mưu đồ xâm lược, Pháp kinh hoàng Mẫu Quốc rút lui,
Suốt chín năm kháng chiến trường kỳ, Ta chiến thắng Điện Biên vang dội.

Lừng lẫy năm châu: Đế quốc lớn - vũ khí tối tân - mưu đồ xấu phải cúi đầu                 nhục nhã                                                                            
Vang danh bốn biển: Quốc gia nhỏ - tầm vông giáo mác - trí anh hùng        ngẩng mặt vinh quang .
      
Làng quê rộn rã tiếng cười,
Phố phường cờ hoa khoe sắc.
...
Giặc Pháp tan đất nước vẫn chưa yên,
Quân Mỹ đến Bắc Nam chia cắt.
Máy chém Nguỵ, Mẹ già máu chảy đầu rơi,
Bom đạn thù, em nhỏ hồn lìa khỏi xác!

Một lần nữa các anh:
Thân trai chẳng tiếc sức mình,
Tuổi xuân hiến dâng Tổ Quốc.
" Đường ra trận mùa này đẹp lắm" chiến thắng dồn Bình Dã, Ba Da
" Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ" phá tan đầu lũ Thần sấm, Con ma.
Quảng Trị,Thừa Thiên dù phải chết mấy lần.
Mộc Bài,Tây Ninh cũng mồ chôn xác giặc.

Nhớ lời Bác dạy:
" Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào,
Bắc nam sum họp, xuân nào vui hơn! "
"Đường hành quân dẫu núi cao, vực thẳm,
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân"

Chiến thắng Ban Mê, Mỹ thua đau bỏ cả áo quần,
Giải phóng Sài Gòn, Nguỵ đầu hàng bàn giao thành luỹ.

Nơi biên ải - Khí phách kiên cường, tên các anh làm rạng danh Dân Tộc
Khắp chiến trường -Hi sinh anh dũng, máu các anh thêm nhuộm thắm Quốc Kỳ.
Nam Bắc một nhà từ đây thống nhất
Giang sơn một dải hết cảnh chia ly.

Nhà nhà cơm áo no lành,
Chốn chốn tầm tang an lạc.
Non sông vui cảnh yên bình,
Đất nước xây nền độc lập.

Hôm nay:
Đinh Hợi đầu thu mây gió mát lành,
Tháng bẩy trung tuần khí thiêng hội tụ.
Nơi di tích: Thổ địa thuận lòng,
Chốn đình chung: Thành hoàng chứng giám!  

Chúng dân:
Chi uỷ , chính quyền trong thôn,
Kỳ lão, nhân dân các xóm.
Lòng thành chiêm bái dâng hương,
Tâm nguyện ơn người thiên cổ.

Vậy dám xin:
Hồn thiêng vì Nước, lượng cả thấu soi,
Khí phách giúp dân, rộng lòng che chở.
Để quanh năm được mưa thuận , gió hoà,
Giúp mùa màng được quả sai, hoa nở.
Chúng dân mạnh khoẻ, an bình,
Con cháu học hành tiến bộ.
Xóm làng đoàn kết, phát huy truyền thống quê hương,
Nhà nhà ấm no, dựng xây gia đình văn hóa.

Cúi xin các Liệt Sĩ chứng giám lòng thành,
Nguyện cầu bậc Anh hùng hiển linh phù hộ
Thượng hưởng!

                                           (Ngày 22 tháng 7 năm 2007 ( 9/6/ Đinh Hợi )
  Vũ Minh Thành phụng thảo dựa theo bản gợi ý của gia phụ Vũ Đình Kim)

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2013

LỜI CẢM TẠ TRONG LỄ TANG (mẫu)




(mẫu) LỜI CẢM TẠ
(Phát biểu cảm ơn trong tang lễ)

- Kính thưa ban tổ chức lễ tang
- Kính thưa các vị đại biểu đại diện cho Đảng ủy, chính quyền, địa phương cùng các ban ngành đoàn thể và toàn thể các cụ, các ông, các bà, cô dì chú bác, họ hàng nội ngoại, các bậc thông gia cùng toàn thể bà con cô bác xóm láng, bạn bè thân bằng, cố hữu gần xa!
Được sự cho phép của Mẹ cháu và sự uỷ quyền của toàn thể các anh chị em trong gia đình, cháu xin được thay mặt gia đình có đôi lời chia sẻ:
Kính thưa toàn thể tang phòng!
Bố cháu đã ra đi!...
 Thật vô cùng đau đớn cho gia đình chúng cháu! Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật hiểm ác, Bố chúng cháu đã vình viễn ra ra đi về nơi vĩnh hằng. để lại cho mẹ con, anh em chúng cháu và toàn thể gia đình một sự thiếu hụt vô cùng lớn lao, không gì bù đắp được trong đời sống tình cảm và về mọi phương diện của đại gia đình chúng cháu.
Từ khi Bố chúng cháu nhiều lần lâm bệnh đến tận những phút cuối cùng và cả trong buổi tang lễ hôm nay, chúng cháu đã nhận được rất nhiều sự chia sẻ, giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương, các Cơ quan đoàn thể, các cụ, các Ông, các Bà, các Cô dì chú Bác, các anh chị em bạn bè và bà con thân bằng quyến thuộc đã đến thăm hỏi khi Bố cháu ốm đau, chia buồn, phúng viếng và tiễn đưa Bố cháu về nơi vĩnh hằng. Không biết nói gì hơn hết, chúng cháu xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả mọi người về nghĩa cử ân cần cao đẹp đó!

Bố ơi!giờ đây linh hồn bố đang ở đâu?
Các thế hệ chúng con tuy ở nhiều phương trời khác nhau nhưng đại đa số đã họp mặt về đây hôm nay để đưa tiễn Bố. Chúng con sẽ không bao giờ quên hình ảnh thân thương của Bố. Bố đã dành trọn sức lực của cuộc đời mình để yêu thương chăm lo cho con, cho cháu. Lui cui Bố cứ tảo tần, lo toan cho đứa ở gần ở xa…Nay chúng con đã trưởng thành nhưng chưa đền đáp được gì thì Bố đã vội bỏ chúng con để theo hầu tiên tổ. chúng con hằng mong Bố sống lâu hơn để vui vầy cùng con cháu, nhưng than ôi ! Tạo hoá xoay vần, tử thần nghiệt ngã! Bố đã vĩnh viễn ra đi!
Bố ơi! Xin Bố hãy thanh thản nơi cửu tuyền để Đức Thế Tôn tiếp dẫn về nơi đất Phật Tây phương cực lạc - An giấc ngàn thu!
Vĩnh biệt Bố kính yêu của chúng con!

 Kính thưa toàn thể tang phòng!
Một lần nữa, Thay mặt gia đình, cháu xin gửi lời cảm ơn đến tất cả các quý vị đại diện cho Đảng ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể, các cụ, các Ông, các Bà, các Cô dì chú Bác, các anh chị em bạn bè và bà con thân bằng quyến thuộc cùng tất cả mọi người đã đến thăm hỏi, chia buồn, phúng viếng. tiễn đưa Bố cháu về nơi an nghỉ cuối cùng và giúp đỡ gia đình chúng cháu tổ chức buổi tang l cho Bố cháu được long trọng. Trong lúc tang gia bối rối  có điều gì sơ suất, gia đình xin kính mong được lượng thứ.
Xin chân thành cảm ơn! Sau khi đưa bố cháu đến nơi an nghỉ cuối cùng được mồ yên, mả đẹp, Xin kính mời toàn thể các cụ, các ông, các bà, cô dì, chú  bác cùng bà con, anh em, bạn bè, thân bằng, quyến thuộc trở lại gia tang xơi lưng cơm nhạt để tang quyến bớt phần hưu quạnh!
Cháu xin chân thành cảm tạ!
                                                                             

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

ĐÌNH NINH XÁ - XÃ LÊ NINH, DANH NHÂN VÀ PHONG TỤC LỄ HỘI


Ảnh: rước tượng Bố cái đại vương

 Rước Bằng Di tích Quốc gia

Đình Ninh Xá có niên đại khoảng trước năm 1522. nơi thờ Bố cái đại vương Phùng Hưng và Ngô Vương thiên tử Ngô Quyền. Hiện tại còn lưu giữ được 17 sắc phong. Lễ hội hằng năm tổ chức từ ngày 14 đến 15/2 âm lịch. Trong lễ họi có các Nghi thức Tế Thánh, Rước Thánh, các trò chơi dân gian như kéo co, cờ tướng, vật, đấm liêu, cầu thùm, bắt vịt, bịt mắt bắt dê, bóng chuyền, cầu lông vv...Trong lễ hội, vào các năm tổ chức đại lễ, các dòng họ trong làng thường có lệ rước lễ trong đó có lợn nguyên con ra đình tế thánh. Năm 1996 được Bộ VHTT cấp Bằng Di tích cấp Quốc Gia. Dịp lễ họi năm 1997, làng tổ chức lễ đón bằng trọng thể.Cũng vào những dịp lễ hội hằng năm, con em quê hương dang làm ăn, sinh sống xa quê thường về quê dự lễ và công đức một phần kinh phí và vật phẩm để tôn tạo và bảo vệ di tích. 


 Rước tượng Đức Ông
Rước tượng Ngô Vương Thiên Tử Ngô Quyền






 Năm 2011, Gia đình ông Lê Đình Long, một người con quê hương hiện đang sinh sống tại Quảng Ninh đã công đức trên 3 tỷ đồng để làng trùng tu chùa Yên Quang, năm 2012 tiếp tục công đức trên 2 tỷ đồng để phục dựng, trùng tu Nghè Vua, nơi điểm quân và Nghè Yến, nơi cất giấu quân lương của nghĩa quân Ngô Quyền trong trận chiến Bạch Đằng năm 938
Rước Thánh đến Nghè Yến